Đất đai manh mún (Land fragmentation) là gì? Nguyên nhân
Mục Lục
Đất đai manh mún
Đất đai manh mún trong tiếng Anh được gọi là Land fragmentation.
Đất đai manh mún trong nông nghiệp cần được hiểu trên 2 khía cạnh:
- Một là, sự manh mún về mặt ô thửa, trong đó một đơn vị sản xuất (thường là nông hộ) có quá nhiều mảnh ruộng với kích thước quá nhỏ của những mảnh ruộng này không đáp ứng được yêu cầu của sản xuất.
- Hai là, sự manh mún thể hiện trên qui mô về đất đai của các đơn vị sản xuất, số lượng ruộng đất quá nhỏ không tương thích với số lượng lao động và các yếu tố sản xuất khác.
Hệ quả
Cả 2 kiểu manh mún này đều dẫn đến tình trạng chung là hiệu quả sản xuất thấp, khả năng đổi mới và ứng dụng các tiến bộ khoa học kĩ thuật, nhất là vấn đề cơ giới hoá, thuỷ lợi hoá trong nông nghiệp kém hiệu quả.
Ngoài ra tình trạng manh mún ruộng đất còn gây nên những khó khăn trong qui hoạch sản xuất và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai...
Nguyên nhân
Tình trạng manh mún ruộng đất xảy ra ở nhiều nơi, nhiều nước khác nhau trên thế giới và ở nhiều thời kì của lịch sử phát triển.
Những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này cũng rất đa dạng: có thể là do đặc điểm về mặt phân bố địa lí, do sức ép gia tăng dân số...
Nhưng có thể có nguyên nhân về mặt xã hội như tính chất tiểu nông của nền sản xuất còn kém phát triển, đặc điểm tâm lí của cộng đồng dân cư nông thôn, hệ quả của một hay nhiều chính sách ruộng đất, kinh tế xã hội hoặc sự quản lí lỏng lẻo kém hiệu quả của công tác địa chính,....
Châu Á nói chung và vùng Đông Nam Á nói riêng trong đó có Việt Nam là nơi có tình trạng ruộng đất khá manh mún.
Hiện trạng
Tình trạng manh mún đất đai là một trong những nhược điểm của nền nông nghiệp nhiều nước, nhất là các nước đang phát triển. Ở Việt Nam, manh mún đất đai rất phổ biến, đặc biệt là ở miền Bắc.
Theo con số ước tính, toàn quốc có khoảng 75 triệu thửa, trung bình một hộ nông dân có khoảng 7-8 thửa. Manh mún đất đai được coi là một trong những rào cản của phát triển sản xuất hàng hoá trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là trồng trọt, cho nên rất nhiều nước đã và đang thực hiện chính sách khuyến khích tập trung đất đai.
Việt Nam cũng đã thực hiện chính sách này. Dưới quan điểm kinh tế nếu manh mún đất đai làm cho lao động và các nguồn lực khác phải chi phí nhiều hơn thì việc giảm mức độ manh mún đất đai sẽ tạo điều kiện để các nguồn lực này được sử dụng ở các ngành khác hiệu quả hơn.
Như vậy, trên tổng thể nền kinh tế sẽ đạt được lợi ích khi ta giảm mức độ manh mún đất đai.
(Tài liệu tham khảo: Nghiên cứu ảnh hưởng của quá trình tích tụ và tập trung đất đai đến hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn huyện Phú Xuyên - thành phố Hà Nội, ThS. Phạm Thanh Quế, Trường Đại học lâm nghiệp, 2011)