Đạo luật chống tham nhũng ở nước ngoài (Foreign Corrupt Practices Act - FCPA) là gì?
Mục Lục
Đạo luật chống tham nhũng ở nước ngoài
Đạo luật chống tham nhũng ở nước ngoài trong tiếng Anh là Foreign Corrupt Practices Act, viết tắt là FCPA.
Đạo luật chống tham nhũng ở nước ngoài (Đạo luật FCPA) là một đạo luật của Mỹ được thông qua vào năm 1977. Đạo luật này nghiêm cấm các công ty và các cá nhân tại Mỹ có hành vi hối lộ cho các tổ chức, cơ quan nước ngoài để thực hiện bất kì thỏa thuận kinh doanh nào.
Đạo luật FCPA được ban hành khi có tới hơn 400 doanh nghiệp Mỹ thừa nhận đã đưa hối lộ cho các quan chức chính phủ và chính trị gia nước ngoài. Đạo luật FCPA được củng cố vào năm 1998 với những điều khoản bổ sung về chống tham nhũng đối với các doanh nghiệp và nhà quản lí nước ngoài tiếp tay cho các hành vi tham nhũng khi đang hoạt động kinh doanh trên đất Mỹ.
Nội dung cơ bản về đạo luật
FCPA không đưa ra một số tiền tối thiểu nào để xử phạt hành vi hối lộ. Đạo luật cũng nêu ra các hướng dẫn minh bạch cần thiết về kế toán doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp tham gia thị trường chứng khoán Mỹ. Các doanh nghiệp này sẽ phải thiết lập và vận hành một hệ thống kế toán trong đó kiểm soát chặt chẽ và ghi nhận lại mọi khoản thu chi của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, khái niệm “hối lộ” chưa thực sự được làm rõ trong đạo luật này. Lấy ví dụ, đạo luật có sự phân biệt giữa hành vi “hối lộ” và việc thực hiện các khoản “tiếp khách”, được cho là hợp pháp nếu không vi phạm vào các điều luật của đất nước đó.
FCPA áp dụng cho các hành vi xảy ra trên toàn thế giới, nhằm ngăn chặn tham nhũng và lạm quyền. Quyền hạn của FCPA bao gồm việc: giám sát hành động của các công ty giao dịch công khai cũng như các giám đốc, cán bộ, cổ đông, đại lí và nhân viên của họ.
Hơn nữa, FCPA còn kiểm soát hoạt động của các bên thứ ba như các nhà tư vấn và đối tác trong một liên doanh với công ty. Điều này có nghĩa là việc sử dụng sự ủy quyền để thực hiện hối lộ cũng không thể bao che cho công ty hoặc cá nhân khỏi khả năng phạm tội.
FCPA lưu giữ một cách chính xác các hồ sơ về tài sản được yêu cầu, để đảm bảo rằng chỉ các giao dịch ủy quyền hợp lệ được thực hiện theo nội dung của ban quản lí công ty. Kiểm soát nội bộ cũng phải được đưa ra để đảm bảo với các cơ quan quản lí rằng các giao dịch này sẽ được hạch toán một cách đúng đắn.
Liên hệ thực tiễn
Hiện nay vẫn còn rất nhiều quốc gia trên thế giới chưa có những bộ luật chống tham nhũng, hối lộ đối với các giao dịch thương mại quốc tế. Một số doanh nghiệp Mỹ cho rằng đạo luật FCPA ảnh hưởng xấu đến lợi nhuận của họ, do các doanh nghiệp cạnh tranh ở các nước khác không bị hạn chế bởi những điều luật như thế này.
Thêm nữa, FCPA ngày càng áp dụng những chế tài xử phạt mạnh mẽ hơn đối với các doanh nghiệp vi phạm. Các doanh nghiệp có thể sẽ bị phạt đến hai triệu USD, còn các cá nhân thì mức phạt lên đến 100.000 USD và có thể phải chịu án tù.
(Tài liệu tham khảo: investopedia, Giáo trình Kinh doanh quốc tế, trường ĐH Ngoại thương)