Đảo (Island) là gì? Tiềm năng kinh tế biển đảo ở Việt Nam
Mục Lục
Đảo (Island)
Đảo - danh từ, trong tiếng Anh được gọi là Island.
Đảo được hiểu là một vùng đất bất kì nhỏ hơn một lục địa và hoàn toàn bị bao quanh bởi nước. (Theo Encyclopaedia Britannica)
Luật biển Việt Nam năm 2012 qui định: "Đảo là một vùng đất tự nhiên có nước bao bọc, khi thủy triều lên vùng đất này vẫn ở trên mặt nước."
Tiềm năng phát triển kinh tế từ hệ thống đảo ở Việt Nam
Việt Nam có hơn 3000 đảo lớn nhỏ, được nhóm thành ba tuyến đảo phân bố từ xa đến gần, tạo thành các “lớp đảo” bao lấy phần lục địa trải dài trên 13 độ vĩ.
Phần lớn các đảo, cụm đảo của nước ta có diện tích rất nhỏ, do vậy, giá trị kinh tế đem lại đáng kể nhất chính là nguồn tài nguyên thiên nhiên từ vùng biển bao quanh chúng.
Một trong những nguồn tài nguyên trọng yếu đem lại nguồn thu lớn cho Việt Nam là tài nguyên phi sinh vật, đặc biệt là dầu mỏ khí đốt và các loại khoáng sản. Trữ lượng dầu khí được đánh giá mới đây của Mỹ tại vùng biển và thềm lục địa Việt Nam vào khoảng 15 tỉ thùng dầu.
Theo các chuyên gia Trung Quốc, khu vực này chứa khoảng 225 tỉ thùng dầu mỏ và khí đốt. Vùng biển đảo Việt Nam nằm gần các bồn trũng có triển vọng dầu khí lớn như bồn trũng Sông Hồng, Phú Khánh, Cửu Long, Nam Côn Sơn, Thổ Chu - Malay, Tư Chính - Vũng Mây và nhóm bồn trũng Trường Sa và Hoàng Sa sẽ góp phần thúc đẩy các hoạt động kinh tế hải đảo phát triển.
Gần đây, các nhà nghiên cứu đã tuyên bố khu vực vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam còn chứa đựng tài nguyên khí đốt hydrate (băng cháy) với trữ lượng lớn. Ước tính trữ lượng loại tài nguyên này trên thế giới ngang bằng với trữ lượng dầu khí và đang được coi là nguồn năng lượng thay thế dầu khí trong tương lai gần.
Bên cạnh nguồn tài nguyên dầu khí và khoáng sản khác, hệ thống các đảo, cụm đảo Việt Nam trên Biển Đông còn là nơi qui tụ nguồn tài nguyên sinh vật biển phong phú, đa dạng với các hệ sinh thái biển quan trọng như san hô, cỏ biển, động vật, hải sản qúi hiếm, nguồn hải sản có trữ lượng lớn như cá, tôm, mực góp phần thúc đẩy phát triển nghề cá, đánh bắt nuôi trồng hải sản và là khu vực lí tưởng phục vụ nghiên cứu khoa học, bảo tồn đa dạng sinh học.
Ngoài ra, hệ thống các đảo, cụm đảo Việt Nam với các cảnh quan thiên nhiên đa dạng, độc đáo có nhiều điều kiện để phát triển du lịch sinh thái biển.
Một số nhóm đảo, cụm đảo quan trọng như Vịnh Hạ Long – di sản thiên nhiên thế giới về cảnh quan và địa chất - địa mạo; Vịnh Bái Tử Long, quần đảo Cát Bà – khu dự trữ sinh quyển được UNESCO công nhận do tính đa dạng sinh học cao; Cô Tô, Vĩnh Thực, Cù Lao Chàm, Lý Sơn, Phú Quý, Hòn Tre, Hòn Yến, Côn Đảo, Hòn Khoai, Thổ Chu, Nam Du và Phú Quốc… (Theo SCIENCE & TECHNOLOGY DEVELOPMENT,Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, ĐHQG TP HCM)