Đàm phán nguyên tắc (Principled Negotiation) là gì?
Mục Lục
Đàm phán nguyên tắc (Principled Negotiation)
Đàm phán nguyên tắc - danh từ, trong tiếng Anh được dùng bởi cụm từ Principled Negotiation.
Đàm phán nguyên tắc là một cách tiếp cận dựa trên mong muốn để đàm phán. Kiểu đàm phán này tập trung chủ yếu vào việc điều chỉnh xung đột và giải quyết xung đột. Đàm phán nguyên tắc sử dụng một cách tiếp cận để đi đến kết quả cuối cùng là cả hai bên đều có lợi. (Theo Negotiations)
Các nguyên tắc cơ bản của đàm phán nguyên tắc
Tách con người ra khỏi vấn đề
Giải quyết vấn đề nội dung đàm phán và giữ mối quan hệ làm việc tốt không nhất thiết là những mục tiêu đối lập nhau nếu các bên đàm phán cam kết và về mặt tâm lí sẵn sàng xử lí riêng mỗi vấn đề trên cơ sở nội dung chính đáng của chúng.
Trong đàm phán, cần nhớ rằng vấn đề con người không chỉ từ một mà đến từ hai bên. Thái độ và cảm xúc cá nhân có thể cản trở việc hai bên đi đến thỏa thuận cuối cùng. Việc hiểu được suy nghĩ của phía đối tác là công việc rất quan trọng và hữu ích, giúp giải quyết tốt những vấn đề đàm phán.
Trong đàm phán, đôi khi không làm chủ được cảm xúc, hai bên sẵn sàng đấu đá nhau chứ không hợp tác để giải quyết vấn đề chung, chỉ nghĩ đến lợi ích của bản thân. Vì vậy, việc kiềm chế điều khiển cảm xúc cá nhân là điều hết sức cần thiết.
Tập trung vào lợi ích chứ không phải lập trường
Để có được một giải pháp sáng suốt phải điều hòa các lợi ích chứ không phải lập trường. Vì vậy, nếu biết tập trung vào lợi ích, thì sẽ giải quyết được vấn đề. Việc tách rời hai phạm trù này là điều hoàn toàn có thể thực hiện được.
Tạo ra các phương án để cùng đạt mục đích
Trong mọi cuộc đàm phán, việc chuẩn bị nhiều phương án là điều hết sức quan trọng, nó mở ra những cánh cửa và tạo nên hàng loạt những thỏa thuận tiềm tàng thỏa mãn cả hai bên.
Việc chuẩn bị nhiều phương án giúp chúng ta không bị rơi vào thế bị động hay phải đưa ra một giải pháp vội vàng khi phương án ban đầu không được chấp nhận.
Kiên trì sử dụng những tiêu chuẩn khách quan
Tiêu chuẩn khách quan là tiêu chuẩn độc lập với ý chí của mỗi bên, tiêu chuẩn phải mang tính khoa học và thực tế.
Để đi tới kết quả độc lập với ý chí, có thể dùng các tiêu chuẩn công bằng cho vấn đề nội dung hoặc các thủ tục công bằng khi giải quyết các lợi ích xung đột với nhau. (Theo Quản trị xuất nhập khẩu, NXB Lao động - Xã hội)