Đại nhảy vọt (Great Leap Forward) là gì? Sự thất bại của chiến dịch
Mục Lục
Đại nhảy vọt
Đại nhảy vọt trong tiếng Anh là Great leap forward.
Đại nhảy vọt là một chiến dịch được phát động trong giai đoạn 1958 - 1961 bởi các nhà lãnh đạo Trung Quốc, đặc biệt là Mao Trạch Đông, nhằm huy động quần chúng thúc đẩy phát triển nông nghiệp và công nghiệp một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, kế hoạch này đã thất bại, dẫn tới một trong những nạn đói tồi tệ nhất trong lịch sử.
Nguyên nhân hình thành
Mặc dù kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1953 - 1957) theo mô hình Xôviết đạt được một số thành công nhưng nền kinh tế vẫn bộc lộ nhiều yếu kém, đặc biệt là trong sản xuất nông nghiệp, khiến Trung Quốc không bảo đảm được sản lượng xuất khẩu và cung cấp lương thực, thực phẩm cho lực lượng lao động thành thị đang gia tăng.
Không hài lòng với mô hình phát triển kiểu Xôviết vốn ưu tiên phát triển công nghiệp nặng, Mao Trạch Đông cho rằng việc huy động lực lượng quần chúng có thể cho phpes Trung Quốc phát triển công nghiệp và nông nghiệp một cách song song.
Đại nhảy vọt trở thành chính sách quốc gia vào tháng 10/1957 khi huy động số lượng lớn nông dân tham gia các dự án thủy lợi trong suốt mùa động 1957 - 1958, và sau đó thúc đẩy việc chuyển các tổ chức tập thể thành các công xã nhân dân vào năm 1958.
Tháng 8/1958, dưới sự chỉ đạo của Mao Trạch Đông, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc chính thức thông báo các "công xã nhân dân" sẽ được thành lập ở tất cả các khu vực nông thôn của Trung Quốc, Mao xem hành động này như là một bước tiến trước Liên Xô trong việc "cải tạo xã hội", và tin rằng Trung Quốc sẽ trở thành một hình mẫu tiên tiến nhất cho chủ nghĩa cộng sản thế giới.
Kết quả
Tuy nhiên, ngược lại với lí tưởng của người lãnh đạo, kết quả trên thực tế đối với người dân Trung Quốc lại là một thảm họa. Các cán bộ cấp dưới đã báo cáo sai và thổi phồng một cách có hệ thống sản lượng nông nghiệp, khiến trong khi Trung Quốc vẫn tiếp tục là nước xuất khẩu lúa gạo đáng kể thì trên thực tế nạn đói lan rộng ở nông thôn trong giai đoạn 1959 - 1961.
Năm 1988, Chính phủ Trung Quốc chính thức thừa nhận có khoảng 20 triệu người chết đói trong giai đoạn này, nhưng các phân tích độc lập cho rằng từ 30 triệu cho đến 40 triệu người chết, biến nạn đói do Đại nhảy vọt gây ra trở thành nạn đói tồi tệ nhất trong lịch sử loài người.
Trong suốt những năm xảy ra nạn đói, Trung Quốc vẫn tiếp tục xuất khẩu gạo, chủ yếu sang Liên Xô. Chính phủ Trung Quốc che đậy nạn đói và từ chối viện trợ lương thực từ cộng đồng quốc tế vì Mao Trạch Động muốn giữ thể diện và chứng tỏ thành công của Đại nhảy vọt.
Mặc dù kế hoạch Đại nhảy vọt là một sai lầm nghiêm trọng nhưng không bài học nào được rút ra. Mặc dù tự rời chức Chủ tịch nước năm 1959 như một cử chỉ thừa nhận sai lầm trong Đại nhảy vọt nhưng Mao vẫn cho rằng thất bại của Đại nhảy vọt là do việc thực thi nửa vời chứ không phải do các giả định sai lầm về mặt kĩ thuật và xã hội.
Tại kì họp của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc năm 1962, Chủ tịch nước Lưu Thiếu Kỳ chỉ trích "thảm họa kinh tế có 30% lỗi do tự nhiên, 70% là do con người". Đây cũng là một lí do dẫn tới Cách mạng văn hóa nhằm trấn áp những người chỉ trích Mao và ở một mức độ nào đó được xem như một phong trào tiếp bước thất bại của Đại nhảy vọt.
(Theo Thuật ngữ Quan hệ quốc tế, Đại học Quốc gia TP.HCM, NXB Chính trị Quốc gia sự thật)