Công ước Kyoto là gì? Vai trò của việc gia nhập Công ước Kyoto sửa đổi đối với Việt Nam
Mục Lục
Công ước Kyoto (Kyoto Convention)
Công ước Kyoto trong tiếng Anh là Kyoto Convention.
Công ước Kyoto có tên gọi đầy đủ là Công ước quốc tế về hài hoà và đơn giản hoá thủ tục hải quan là Công ước "xương sống" về thủ tục hải quan. Công ước được soạn thảo, thông qua tại Kyoto ngày 18/05/1973, có hiệu lực từ 25/09/1974 dưới sự bảo trợ của Hội đồng hợp tác Hải quan.
Công ước đã được sửa đổi, bổ sung tại Brussells (Bỉ) vào 26/06/1999, nhằm đạt các mục đích:
- Loại bỏ những khác biệt giữa các thủ tục và hoạt động thực tiễn hải quan có thể gây trở ngại cho thương mại quốc tế cũng như những trao đổi quốc tế khác
- Đáp ứng những yêu cầu của thương mại quốc tế và của hải quan trong việc tạo thuận lợi, hài hoà và đơn giản hoá thủ tục hải quan và hoạt động thực tiễn hải quan
- Đảm bảo những chuẩn mực thích hợp cho việc kiểm tra hải quan và cho phép cơ quan hải quan đáp ứng được những thay đổi lớn về các phương pháp và kĩ thuật quản lí và kinh doanh.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Hải quan cơ bản, NXB Tài chính)
Vai trò của việc gia nhập Công ước Kyoto sửa đổi đối với Việt Nam
Việt Nam chính thức gia nhập Công ước Kyoto sửa đổi (hay Nghị định thư sửa đổi Công ước Kyoto) vào ngày 08/01/2008 và Công ước đã có hiệu lực với Việt Nam vào ngày 08/04/2008.
Việc gia nhập Công ước Kyoto sửa đổi là việc làm tích cực để thể hiện quan điểm chủ động hội nhập quốc tế của Việt Nam, đẩy mạnh việc thực hiện cải cách thể chế và tài chính công theo Chương trình cải cách hành chính quốc gia và Chương trình hiện đại hoá Hải quan đã được Chính phủ phê duyệt.
- Về chính trị, gia nhập Công ước Kyoto sửa đổi thể hiện nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế, nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực và quốc tế. Đặc biệt việc gia nhập và áp dụng Công ước Kyoto sửa đổi có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện các cam kết của Việt Nam trong WTO.
- Về kinh tế, tham gia Công ước Kyoto sửa đổi là góp phần thúc đẩy tiến trình cải cách thủ tục hành chính theo tiêu chuẩn quốc tế nhằm đẩy mạnh thương mại, khuyến khích xuất khẩu, thu hút đầu tư và du lịch quốc tế vào Việt Nam, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, đáp ứng yêu cầu của cộng đồng doanh nghiệp.
Về nghiệp vụ Hải quan, Công ước Kyoto sửa đổi là công cụ pháp lí hiệu quả để giải quyết các mâu thuẫn khi thực hiện nhiệm vụ của ngành Hải quan như nhu cầu công việc ngày càng tăng trong khi nguồn lực còn hạn chế;
Vừa phải tăng cường kiểm soát hải quan lại vừa phải tạo thuận lợi cho thương mại. Việc tham gia Công ước đồng thời cũng tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam nhận được sự ủng hộ và giúp đỡ của Tổ chức Hải quan Thế giới cũng như các thành viên của Công ước trong việc đẩy mạnh cải cách, hiện đại hoá hoạt động hải quan.
Công ước Kyoto sửa đổi là hệ thống tiêu chuẩn về đơn giản và hài hoà thủ tục hải quan cho các tổ chức quốc tế, các diễn đàn hợp tác khu vực và thể giới như ASEAN, APEC, ASEM, WTO, WCO. Do vậy, tham gia Công ước cũng góp phần để Việt Nam hoàn tất trách nhiệm của mình tại các tổ chức này.
(Tài liệu tham khảo: Hải quan Việt Nam, customs.gov.vn)