Công ước Berne (Berne Convention) là gì? Nội dung
Mục Lục
Công ước Berne
Công ước Berne trong tiếng Anh là Berne Convention.
Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật (Berne Convention for the Protection of Literary and Artistic Works) gọi tắt là Công ước Berne, được ban hành năm 1886 tại Berne. Cho đến nay đã có 166 quốc gia tham gia Công ước Berne, Việt Nam gia nhập Công ước này vào ngày 26/10/2004.
Mục đích của Công ước Berne được thể hiện tại lời nói đầu "để bảo vệ một cách hữu hiệu và thống nhất các quyền của tác giả đối với các tác phẩm văn học và nghệ thuật".
Nguyên tắc của Công ước Berne
Công ước Berne đề ra 3 nguyên tắc cơ bản:
- Nguyên tắc "đối xử quốc gia": những tác phẩm có nguồn gốc tại một trong số các quốc gia thành viên phải được bảo hộ như nhau tại một quốc gia thành viên như sự bảo hộ những tác phẩm của công dân nước họ.
- Nguyên tắc bảo hộ tự động: việc đối xử quốc gia không phụ thuộc vào bất kì thủ tục nào, nói cách khác việc bảo hộ được trao tự động mà không phụ thuộc vào thủ tục đăng kí, lưu trữ hoặc hình thức tương tự.
- Nguyên tắc bảo hộ độc lập: việc hưởng và thực hiện các quyền được độc lập với việc bảo hộ hiện có tại nước xuất xứ của tác phẩm.
Công ước Berne qui định
- Các quyền về tài sản được trao cho chủ sở hữu tác phẩm bao gồm quyền dịch, quyền tái tạo, nhân bản dưới mọi hình thức, gồm việc ghi hình hoặc tiếng, quyền biểu diễn tác phẩm kịch, nhạc kịch và tác phẩm âm nhạc, quyền phát thanh, truyền hình và truyền đạt tác phẩm đến công chứng, quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng, quyền cải biên, chuyển thể hay các dạng chuyển thể khác một tác phẩm, quyền phóng tác phim ảnh từ một tác phẩm.
- Độc lập với các quyền về tài sản là "quyền tinh thần" qui định quyền của tác giả đối với tác phẩm do mình sáng tạo nên, đó là quyền phản đối mọi sự xuyên tạc, cắt xén, hay các hình thức biến cải khác, hoặc hành vi vi phạm khác đối với tác phẩm gây phương hại tới danh dự hay uy tín của tác giả.
(Theo Giáo trình Pháp luật Sở hữu trí tuệ, NXB Đại học Kinh tế quốc dân)