Công trình công cộng ngầm (Public Underground Work) là gì?
Mục Lục
Công trình công cộng ngầm (Public Underground Work)
Công trình công cộng ngầm - danh từ, trong tiếng Anh tạm dịch là Public Underground Work.
Công trình công cộng có thể được hiểu là các công trình nhằm mục đích phục vụ cho các nhu cầu dân sinh, được cơ quan nhà nước đầu tư, xây dựng bằng ngân sách của quốc gia, nguồn vốn vay của chính phủ hay các doanh nghiệp trong và ngoài nước. (Theo Từ điển Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân)
Công trình công cộng ngầm theo qui định pháp luật là công trình công cộng được xây dựng dưới mặt đất, phục vụ hoạt động công cộng.
Việc xây dựng hệ thống công trình công cộng ngầm phải bảo đảm an toàn, phù hợp với việc tổ chức, khai thác sử dụng không gian ngầm và trên mặt đất; bảo đảm kết nối thuận tiện với các công trình giao thông ngầm và trên mặt đất. (Theo Luật Qui hoạch Đô thị năm 2009)
Khảo sát, thiết kế công trình công cộng ngầm
Yêu cầu đối với công tác khảo sát xây dựng
a) Công trình công cộng ngầm phải cung cấp đầy đủ các số liệu, tài liệu, thông số kĩ thuật về các công trình ngầm và công trình trên mặt đất hiện có, các điều kiện địa chất công trình, địa chất thủy văn, khả năng tồn tại các loại khí độc hại của khu vực xây dựng để làm cơ sở xác định phạm vi, độ sâu công trình, lựa chọn công nghệ thi công thích hợp nhằm bảo đảm an toàn cho người, công trình và công trình lân cận;
b) Dự báo các bất thường về điều kiện địa chất công trình, địa chất thủy văn để có biện pháp xử lí thích hợp phục vụ công tác thiết kế thi công xây dựng công trình ngầm;
c) Bảo đảm vệ sinh môi trường và phải hoàn trả mặt bằng sau khi hoàn thành nhiệm vụ khảo sát.
Yêu cầu đối với công tác thiết kế xây dựng
a) Công trình công cộng ngầm phải phù hợp với điều kiện địa chất công trình, địa chất thủy văn;
b) Phải đồng bộ, kết nối phù hợp với quần thể kiến trúc của các công trình liền kề, trên mặt đất, với hệ thống hạ tầng kĩ thuật chung của đô thị; bảo đảm an toàn không làm ảnh hưởng đến các công trình xây dựng lân cận; kết hợp với yêu cầu bảo đảm an ninh, quốc phòng khi cần thiết; đồng thời phải có giải pháp về bảo tồn cây xanh, bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa tại khu vực xây dựng (nếu có);
c) Thiết kế tổ chức không gian kiến trúc bên trong các công trình (nếu có) phải đáp ứng công năng sử dụng và bền vững và bảo đảm yêu cầu về mĩ quan, phù hợp với các đặc điểm văn hóa, lịch sử tại khu vực xây dựng công trình;
d) Thiết kế các hệ thống chiếu sáng, điều hòa, thông gió, cấp nước, thoát nước, cấp điện, phòng cháy, chữa cháy, thoát hiểm và hệ thống kiểm soát khai thác vận hành trong công trình phải phù hợp với loại và cấp công trình theo qui định của pháp luật về xây dựng;
đ) Bảo đảm các yêu cầu về chống thấm, chống ăn mòn và xâm thực;
e) Bảo đảm việc sử dụng thuận lợi cho người khuyết tật, bảo đảm an toàn và thoát hiểm nhanh chóng khi có sự cố;
g) Công trình công cộng ngầm phải có qui trình vận hành sử dụng, qui định bảo trì công trình và phải đề xuất nhiệm vụ của công tác quan trắc địa kĩ thuật. (Theo Nghị định Số: 39/2010/NĐ-CP)