Công nghệ gen (Genetic Engineering) là gì? Đặc điểm và tranh cãi
Mục Lục
Công nghệ gen
Công nghệ gen trong tiếng Anh là Genetic Engineering.
Công nghệ gen là sự biến đổi nhân tạo của thành phần di truyền học của một sinh vật. Công nghệ gen thường liên quan đến việc chuyển gen từ một sinh vật này sang một sinh vật khác của một giống loài khác để cho loài sau thừa hưởng những đặc điểm của loài trước.
Một sinh vật được tạo ra bởi kết quả của quá trình trên được gọi là một sinh vật biến đổi gen (Genetically modified organism - GMO). Ví dụ về các sinh vật như vậy bao gồm thực vật kháng một số côn trùng và thực vật có thể chịu được thuốc diệt cỏ.
Đặc điểm của Công nghệ gen
Công nghệ gen cũng đang được sử dụng với động vật chăn nuôi ở trang trại, với các mục tiêu nghiên cứu như đảm bảo gà không thể truyền bệnh cúm gia cầm sang các loài chim khác hoặc gia súc không thể phát triển các virus truyền nhiễm gây ra bệnh "bò điên".
Trồng trọt các loại cây trồng biến đổi gen như đậu tương, ngô, cải dầu và bông nhằm mục đích thương mại bắt đầu từ đầu những năm 1990 và đã phát triển rất đáng kể từ đó. Cây trồng biến đổi gen được trồng thương mại trên 150 triệu ha tại 22 quốc gia phát triển và đang phát triển tính đến năm 2010, so với chưa đến 10 triệu ha vào năm 1996.
Tranh cãi xung quanh Công nghệ gen
Các chủ đề về công nghệ gen đã trở nên gây tranh cãi đáng kể, tạo ra nhiều cuộc tranh luận sôi nổi giữa phe ủng hộ và phe đối lập.
Những người ủng hộ cho rằng công nghệ gen có thể tăng năng suất nông nghiệp bằng cách tăng năng suất cây trồng và giảm ứng dụng phân bón và thuốc trừ sâu. Công nghệ biến đổi gen có thể cho phép phát triển các loại cây trồng có khả năng kháng bệnh và sống lâu hơn.
Năng suất cao hơn sẽ thúc đẩy thu nhập và giúp xóa đói giảm nghèo ở nhiều quốc gia đang phát triển. Những người ủng hộ này cũng cho rằng công nghệ gen là một cách giúp giải quyết nạn đói ở những khu vực khan hiếm tài nguyên hoặc có thể khó phát triển bằng các phương tiện truyền thống.
Trong khi đó, những người phản đối liệt kê một loạt các mối quan tâm xung quanh GMO, bao gồm phản ứng dị ứng, đột biến gen, kháng kháng sinh và thiệt hại môi trường tiềm ẩn. Những người không ủng hộ cũng lo ngại về việc khó có thể dự đoán trước kết quả của việc mạo hiểm nghiên cứu những lĩnh vực khoa học chưa được khám phá trước đây.
Một số lượng lớn các loại cây trồng đã được áp dụng công nghệ biến đổi hoặc sửa đổi gen bao gồm cải dầu, bông, ngô, dưa, đu đủ, khoai tây, gạo, củ cải đường, ớt ngọt, cà chua và lúa mì. Một số người phản đối hoàn toàn công nghệ gen, họ cho rằng khoa học không nên can thiệp vào quá trình tự nhiên mà sinh vật được tạo ra và phát triển.
(Theo Investopedia)