Công chúng (General public) trong PR là ai? Ví dụ
Mục Lục
Công chúng
Công chúng trong tiếng Anh được gọi là General public.
Công chúng là một hoặc nhiều con người tự nhiên hoặc pháp lí, trong mối quan hệ với luật pháp hoặc trong thực tiễn quốc gia, hiệp hội, tổ chức hoặc nhóm của họ.
Công chúng của PR là các nhóm người, kể cả nội bộ và bên ngoài mà một tổ chức có liên hệ.
Đối với PR chuyên nghiệp, công chúng là một nhóm người được xác định là có mối quan hệ với khách hàng của mình. Đó có thể là khách hàng hoặc khách hàng tiềm năng, nhân viên, cổ đông, những quan chức trong lĩnh vực hoạt động của khách hàng, quan chức chính phủ và báo chí.
Một số PR chuyên nghiệp cho rằng hoạt động quan hệ công chúng không gắn liền với công chúng nói chung vì khái niệm đó quá rộng để lập kế hoạch cũng như thực thi các kế hoạch PR hiệu quả.
G. Harvey Gail, Chủ tịch Tập đoàn VanNatta Public Relations, Mỹ, cho rằng:
"Người bình thường khi nghe đến từ công chúng sẽ nghĩ tới con người nói chung. Tuy nhiên, những nhà hoạt động PR nhận thấy rằng thế giới là tập hợp của vô vàn những nhóm công chúng riêng biệt, trong đó một số nhóm công chúng có tác động đáng kể tới khả năng tổ chức đạt được mục tiêu trong hoạt động, một số nhóm khác thì không".
Chính sự sàng lọc nhóm công chúng của PR đã làm cho hoạt động truyền thông phải thay đổi các phương pháp cho phù hợp với từng nhóm. Vậy, những nhóm công chúng nào là đối tượng mục tiêu của PR? Ví dụ sau đây là danh sách các nhóm công chúng của một công ty qui mô trung bình tại Mỹ:
- Những người lãnh đạo, định hướng dư luận, những người đặc biệt quan trọng trong cộng đồng;
- Gia đình của người chủ sở hữu công ty, chủ và nhân viên của công ty;
- Báo chí địa phương, bao gồm: báo in, phát thanh, truyền hình, các trang web, các tạp chí thương mại;
- Thị trường lao động, các công ty tư vấn tuyển dụng lao động tại địa phương;
- Những nhà lãnh đạo cộng đồng, lãnh đạo thành phố và một số quan chức dân cử (uỷ viên hội đồng thành phố, thị trưởng);
- Lãnh đạo và thành viên các hiệp hội thương mại;
- Phòng thương mại và các hiệp hội, tổ chức phát triển kinh tế của địa phương;
- Những nhà bán sỉ, nhà cung cấp hàng hóa;
- Những người điều hành luật pháp, bao gồm cả những cơ quan liên quan đến đất đai và môi trường;
- Người có cổ phần và cộng đồng đầu tư thông qua nhà môi giới, ngân hàng và người cho vay;
- Những đối thủ cạnh tranh;
- Các nhóm hoạt động xã hội.
Danh sách các nhóm công chúng trên đây là dành cho một công ty qui mô trung bình, nó rất khác so với danh sách các nhóm công chúng của một tổ chức phi chính phủ hoặc một cơ quan của chính phủ.
Đồng thời, thứ tự mức độ quan trọng của từng nhóm công chúng sẽ phụ thuộc vào mục tiêu của từng tổ chức. Vì vậy, không thể có một danh sách các nhóm công chúng chung cho mọi cơ quan, tổ chức.
(Tài liệu tham khảo: PR – Lí luận và ứng dụng, Đinh Thị Thuý Hằng, NXB Lao Động - Xã Hội)