Công báo Sở hữu công nghiệp (Industrial Property Official Gazette) là gì?
Mục Lục
Công báo Sở hữu công nghiệp
Công báo Sở hữu công nghiệp trong tiếng Anh gọi là: Industrial Property Official Gazette.
Công báo Sở hữu công nghiệp là các văn bản, trong đó Cục Sở hữu Trí tuệ - cơ quan quản lí của Nhà nước về sở hữu công nghiệp, trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ công bố các hoạt động xác lập, đình chỉ, hủy bỏ, đăng kí hợp đồng li-xăng đối với văn bằng bảo hộ.
Thời gian và nội dung phát hành
Các hoạt động xác lập, đình chỉ, hủy bỏ, đăng kí hợp đồng li-xăng đối với văn bằng bảo hộ được đăng trên Công báo Sở hữu công nghiệp, được phát hành một tháng 2 lần trên hai tập A và B.
Công báo Sở hữu công nghiệp đăng tải các thông tin sau đây:
- Các nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế, giải pháp hữu ích đã được chấp nhận đơn đăng kí bảo hộ về mặt hình thức (đơn được coi là hợp lệ);
- Các nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế, giải pháp hữu ích đã được cấp văn bằng bảo hộ tại Việt Nam, theo luật Việt Nam hay theo điều ước quốc tế;
- Các đăng kí sửa đổi đối với văn bằng bảo hộ;
- Các đăng kí về hợp đồng li-xăng và việc sửa đổi các hợp đồng này.
Giải thích một số thuật ngữ liên quan:
Cục Sở hữu Trí tuệ là tổ chức trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ thống nhất quản lí nhà nước về Sở hữu Trí tuệ; trực tiếp quản lí nhà nước và tổ chức thực hiện các hoạt động sự nghiệp về sở hữu công nghiệp theo qui định của pháp luật.
Cục Sở hữu Trí tuệ có tên giao dịch quốc tế bằng tiếng Anh là "Intellectual Property Office of Viet Nam" (viết tắt là "IP Viet Nam").
(Điều lệ Tổ chức và hoạt động của Cục Sở hữu trí tuệ)
Theo Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2013, "Quyền sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lí, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh".
Sở hữu công nghiệp phải được hiểu theo nghĩa rộng nhất, không những chỉ áp dụng cho công nghiệp và thương mại theo đúng nghĩa của chúng mà cho cả các ngành sản xuất nông nghiệp, công nghiệp khai thác và tất cả các sản phẩm chế biến hoặc sản phẩm tự nhiên. (Theo baohothuonghieu.com)
(Tài liệu tham khảo: Quyền Sở hữu Trí tuệ, Lê Nết, NXB Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh)