Cơn sóng thần kinh tế (Economic Tsunami) là gì? Nhận biết các Cơn sóng thần kinh tế
Mục Lục
Cơn sóng thần kinh tế
Khái niệm
Cơn sóng thần kinh tế trong tiếng Anh là Economic Tsunami.
Cơn sóng thần kinh tế là một loạt các thách thức qui mô rộng trong nền kinh tế xuất hiện do một sự kiện quan trọng duy nhất lan tỏa ra.
Các tác động lan tỏa của cơn sóng thần kinh tế thường lan rộng đến các khu vực địa lí rộng lớn hơn, hay sang nhiều ngành công nghiệp, hoặc cả hai.
Đặc điểm Cơn sóng thần kinh tế
Cơn sóng thần kinh tế được đặt tên dựa tên những cơn sóng thần trong tự nhiên, miêu tả những cơn sóng lớn bất thường bắt nguồn từ một sự xáo trộn dưới đáy đại dương, ví dụ như một trận động đất.
Sóng thần có thể gây ra sự hủy diệt trên diện rộng và gây ra ngập lụt các khu vực ven biển và các vùng thấp một khi nó chạm đến bờ, và thậm chí có thể gây ảnh hưởng cho các đại dương khác.
Tương tự như vậy, cơn sóng thần kinh tế gây ra các hiệu ứng hủy diệt vượt ra ngoài khu vực địa lí hoặc ngành công nghiệp mà sự kiện ban đầu diễn ra.
Những hậu quả này cho thấy các mối quan hệ chưa được phát hiện trước đây giữa các bộ phận của nền kinh tế toàn cầu, nguyên nhân tạo ra hiệu ứng gợn khi căng thẳng kinh tế quá lớn.
Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của hậu quả mà cơn sóng thần kinh tế để lại, nền kinh tế có thể đi đến các qui định mới khi thị trường cố gắng thích nghi hoặc ngăn chặn sự tái phát của thảm họa kinh tế này trong tương lai
Ví dụ về Cơn sóng thần kinh tế
Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 là một trong số những ví dụ phổ biến gần đây nhất về cơn sóng thần kinh tế.
Thị trường cho vay thế chấp dưới chuẩn ở Mỹ đóng vai trò yếu tố đầu tiên trong cơn sóng thần kinh tế này, thời điểm đó các ngân hàng đầu tư lớn tại Mỹ đã tính toán sai rủi ro trong một số công cụ nợ thế chấp mà họ cấp cho khách hàng.
Cuối cùng tỉ lệ vỡ nợ cao bất thường đã dẫn đến khoản tổn thất tài chính khổng lồ trong các hạng mục danh mục đầu tư có xếp hạng tín dụng cao, gây ra tổn thất lớn cho các khoản đầu tư có tỉ lệ đòn bẩy cao được thực hiện bởi các công ty tài chính và các quĩ phòng hộ.
Kết quả là cuộc khủng hoảng thanh khoản nhanh chóng lan rộng ra ngoài thị trường thế chấp dưới chuẩn.
Các ngân hàng nước ngoài cũng chịu thiệt hại không ít thông qua các khoản đầu tư bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng tài chính này.
- Ngành ngân hàng của Iceland đã gần như sụp đổ hoàn toàn sau cuộc khủng hoảng cho vay dưới chuẩn, gây ảnh hưởng đến nền kinh tế của quốc gia này.
- Trong khi đó, tại Vương quốc Anh, chính phủ Anh đã phải can thiệp để bảo lãnh cho lĩnh vực ngân hàng của mình.
Mỹ, Anh và Iceland đều thực hiện các qui định cải cách sau khi cuộc khủng hoảng qua đi. Nền kinh tế của Iceland về cơ bản đã tái tạo lại sang dựa nhiều vào du lịch hơn là hoạt động ngân hàng quốc tế.
Mỹ đã đưa ra một loạt các biện pháp kiểm soát thông qua Đạo luật Cải cách và Bảo vệ Người tiêu dùng Dodd-Frank năm 2010 và Đạo luật Phục hồi Nhà ở và Kinh tế năm 2008.
Trong đó có nhiều qui định tăng cường giám sát cho các khoản vay thế chấp. Vương quốc Anh với sự ra mắt của Đạo luật Dịch vụ Tài chính năm 2012.
Nhận biết các Cơn sóng thần kinh tế
Toàn cầu hóalà một trong những lí do chính tại sao một cuộc suy thoái kinh tế ở một đầu của thế giới lại có thể cảm nhận được ở đầu còn lại.
Nếu không có sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế giữa các thị trường trên toàn thế giới, các cơn sóng thần kinh tế cùng với các tổn thất liên quan, về cơ bản sẽ không thể tồn tại.
Các hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa các quốc gia khác nhau đã khiến các công ty trở nên cạnh tranh hơn và đem lại lợi ích giá cả cho người tiêu dùng, nhưng lợi ích của toàn cầu hóa luôn đi kèm với những rủi ro quan trọng.
Quan hệ kinh tế và tài chính chặt chẽ hơn cũng dẫn đến sự gia tăng các cú sốc kinh tế.
Sự kết nối ngày càng tăng của các nền kinh tế quốc gia khiến cho suy thoái kinh tế ở một quốc gia có thể tạo ra hiệu ứng domino thông qua các đối tác thương mại. Các quốc gia phụ thuộc vào nhau để phát triển và tồn tại.
Gia tăng sự kết nối của các thị trường tài chính toàn cầu theo thời gian cũng trở thành một yếu tố chính trong việc lan truyền cơn sóng thần kinh tế.
- Chiến tranh thương mại
Cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ, cuộc đấu tranh gay gắt giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, đang làm tổn thương các công ty từ cả hai quốc gia, về mặt thị trường vốn, đầu tư, thị trường lao động và chi tiêu tiêu dùng.
Xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc đã giảm từ 64 tỉ USD trong sáu tháng đầu năm 2018 xuống còn 51 tỉ USD trong nửa đầu năm 2019. Các quốc gia khác cũng đã hứng chịu không ít tổn thất trong cuộc chiến thương mại này.
- Khủng hoảng tài chính
Thị trường tài chính toàn cầu đại diện cho một cơ chế truyền tải điển hình cho các cơn sóng thần kinh tế. Cổ phiếu, trái phiếu, hàng hóa, tiền tệ và các công cụ phái sinh đều được giao dịch tích cực trên các thị trường toàn cầu.
Điều này làm tăng nguy cơ cơn sóng thần kinh tế xuất hiện trên các mạng lưới tài chính quốc tế như cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và cuộc Đại suy thoái.
(Theo Investopedia)