Cơ giới hoá nông nghiệp (Agricultural Mechanization) là gì?
Mục Lục
Cơ giới hoá nông nghiệp
Cơ giới hoá nông nghiệp trong tiếng Anh gọi là: Agricultural Mechanization.
Cơ giới hoá nông nghiệp là quá trình thay thế công cụ thủ công thô sơ bằng công cụ lao động cơ giới; thay thế động lực sức người và gia súc bằng động lực của máy móc; Thay thế phương pháp sản xuất thủ công lạc hậu bằng phương pháp sản xuất với kĩ nghệ cao.
Cơ giới hoá nông nghiệp dựa trên cơ sở nền công nghiệp cơ khí phát triển, có khả năng nghiên cứu, chế tạo ra các máy động lực và máy công tác để thực hiện các khâu công việc canh tác phù hợp với yêu cầu sinh trưởng phát triển của cây trồng, vật nuôi và phù hợp với hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp.
Nội dung
Nội dung cơ giới hoá nông nghiệp bao gồm cơ giới hoá bộ phận (cơ giới hoá từng khâu riêng lẻ) tiến lên cơ giới hoá tổng hợp và tự động hoá sản xuất.
- Cơ giới hoá bộ phận trước hết và chủ yếu thường được thực hiện ở những khâu công việc nặng nhọc, tốn nhiều lao động thủ công hay thời vụ căng thẳng và dễ dàng thực hiện như khâu làm đất, vận chuyển, chế biến thức ăn gia súc v.v....
Nét đặc trưng của giai đoạn này là việc áp dụng các chiếc máy riêng lẻ của các nông hộ và trang trại khá giả. Thời kì này, sau khi hoàn thành nhiệm vụ sản xuất cho mình, họ còn đi làm thuê cho các hộ và trang trại khác trên địa bàn lân cận.
- Cơ giới hoá tổng hợp là việc sử dụng liên tiếp các hệ thống máy ở tất cả các giai đoạn của quá trình sản xuất trồng trọt hay chăn nuôi kể từ lúc bắt đầu đến lúc ra sản phẩm.
Nét đặc trưng của giai đoạn này là sự ra đời của các hệ thống máy nông nghiệp, có tác dụng hỗ trợ, bổ sung cho nhau để hoàn thành liên tiếp tất cả các khâu công việc của quá trình sản xuất.
- Tự động hoá là giai đoạn phát triển cao hơn của cơ giới hoá tổng hợp, gắn liền với cách thức khai thác và sử dụng các nguồn năng lượng mới, các phương tiện điều khiển tự động để hoàn thành mọi khâu liên tiếp của quá trình sản xuất từ khi chuẩn bị đến lúc kết thúc cho sản phẩm.
Nét đặc trưng của giai đoạn này là loại trừ lao động chân tay và một phần lao động trí óc. Sự tham gia của con người chỉ với vai trò giám đốc, kiểm tra, điều chỉnh để quá trình sản xuất diễn ra theo một kế hoạch đã định trước.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Kinh tế Nông nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo Hà Nội)