Cơ chế giá (Price Mechanism) là gì? Vai trò của cơ chế giá trên thị trường
Mục Lục
Cơ chế giá (Price Mechanism)
Cơ chế giá trong tiếng Anh là Price Mechanism.
Cơ chế giá đề cập đến hệ thống trong đó các lực lượng cung và cầu xác định giá của hàng hóa và những thay đổi trong đó. Chính người mua và người bán thực sự xác định giá của hàng hóa.
Cơ chế giá là kết quả của quá trình vận hành tự do của các lực lượng cung cầu trên thị trường. Tuy nhiên, đôi khi Chính phủ kiểm soát cơ chế giá để làm cho giá hàng hóa rẻ hơn tương đối nhằm mục tiêu hỗ trợ cho người nghèo.
Vai trò của cơ chế giá trên thị trường
Cơ chế giá đảm nhiệm ba chức năng quan trọng trong một thị trường:
(1) Chức năng báo hiệu
- Giá thực hiện chức năng báo hiệu, giá được điều chỉnh để thể hiện nơi nào cần có tài nguyên và nơi nào không.
- Giá tăng và giảm để phản ánh sự khan hiếm và thặng dư.
- Nếu giá tăng vì cầu của người tiêu dùng về một loại hàng hóa dịch vụ tăng, đây là tín hiệu cho các nhà cung cấp mở rộng sản xuất để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
- Nếu có nguồn cung dư thừa trên thị trường, cơ chế giá sẽ giúp loại bỏ thặng dư hàng hóa bằng cách cho phép giá thị trường giảm.
(2) Chức năng truyền thông tin
- Thông qua những lựa chọn về hàng hóa hay dịch vụ, người tiêu dùng gửi thông tin cho nhà sản xuất về bản chất thay đổi của nhu cầu và mong muốn.
- Giá cao hơn đóng vai trò là động lực để tăng sản lượng vì nhà cung cấp có thể kiếm lợi nhuận tốt hơn.
- Cầu giảm trong thời kì suy thoái dẫn đến việc các nhà sản xuất cắt giảm sản lượng làm cung cũng thu hẹp lại.
- Một trong những đặc điểm của hệ thống kinh tế thị trường là việc ra quyết định được phân cấp tức là không có một cơ quan nào chịu trách nhiệm quyết định những gì sẽ được sản xuất và sản xuất với số lượng bao nhiêu.
(3) Chức năng phân phối
- Giá thực hiện chức năng phân phối các nguồn tài nguyên khan hiếm khi cầu trong một thị trường vượt xa nguồn cung.
- Khi có sự thiếu hụt, giá sẽ tăng lên - chỉ còn lại những người sẵn sàng và có khả năng chi trả có thể mua sản phẩm. Giá thị trường đóng vai trò là công cụ phân phối để cân bằng cung cầu.
- Đấu giá là một phương tiện phân bổ nguồn lực đáng để xem xét.
(Tài liệu tham khảo: tutor2u.; The Economic Times)