Cơ cấu lao động (Labor Force Structure) là gì? Cơ cấu cung và cầu lao động
Mục Lục
Cơ cấu lao động
Cơ cấu lao động trong tiếng Anh được gọi là Labor Force Structure.
Cơ cấu được hiểu theo một cách chung nhất là tập hợp các cấu phần, theo một tỉ lệ nhất định, trong mối quan hệ ràng buộc hữu cơ với nhau, tạo nên một chỉnh thể thống nhất.
Cơ cấu lao động là quan hệ tỉ lệ lao động được phân chia theo một tiêu thức kinh tế nào đó. (Theo Từ điển tiếng Việt – NXB Khoa học Xã hội 1994)
Hai góc độ khác nhau của khái niệm cơ cấu lao động
- Thứ nhất, cơ cấu lao động xét về mặt nguồn lực tức là mặt cơ cấu cung lao động đươc phân chia theo các chỉ tiêu phản ánh cơ cấu (tỉ lệ) số lượng và chất lượng nguồn lao động. Bao gồm:
+ Cơ cấu số lượng lao động:
Dân số trong độ tuổi lao động
Dân số không hoạt động kinh tế thường xuyên
Dân số hoạt động kinh tế thường xuyên (lực lượng lao động)
+ Cơ cấu chất lượng lực lượng lao động:
Lao động chia theo trình độ văn hoá
Lao động chia theo trình độ chuyên môn kĩ thuật
Lao động chia theo độ tuổi
- Thứ hai, cơ cấu lao động xét về mặt phân công lao động xã hội tức là cơ cấu cầu lao động, phản ánh tình trạng việc làm và nhu cầu sử dụng lao động trong các ngành, các thành phần kinh tế.
Cơ cấu cầu lao động được biểu thị qua các tiêu thức sau:
+ Lao động phân chia theo ngành/ hoặc khu vực kinh tế (nông/ lâm/ ngư nghiệp; công nghiệp/ xây dựng; thương mại/ dịch vụ)
+ Lao động phân chia theo địa phương, vùng lãnh thổ (nông thôn và thành thị, 8 vùng kinh tế, tỉnh/ thành phố)
+ Lao động phân chia theo thành phần kinh tế (kinh tế nhà nước, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, và các thành phần kinh tế khác)
+ Lao động phân chia theo dạng việc làm (tự làm việc, làm công ăn lương)…
Như vậy cơ cấu lao động dù xét theo mặt nào cũng được xác định bằng tỉ lệ lao động được phân chia theo một tiêu thức nhất định nào đó.
Tuy nhiên lực lượng lao động luôn biến đổi theo những biến đổi của xã hội cả về số lượng, chất lượng cũng như tình trạng việc làm.
Do vậy mà quan hệ tỉ lệ lao động được phân chia theo một tiêu thức nào đấy không phải là cố định mà nó thay đổi theo từng giai đoạn, từng hoàn cảnh, thời kì khác nhau. Tạo ra sự dịch chuyển cơ cấu lao động.
(Tài liệu tham khảo: Đại học Kinh tế Quốc dân. Viện Khoa học Lao động và Xã hội)