Chuỗi khối (Blockchain) là gì? Các loại chuỗi khối
Mục Lục
Chuỗi khối (Blockchain)
Chuỗi khối trong tiếng Anh là Blockchain.
Chuỗi khối là một loại sổ cái kĩ thuật số (digital ledger), trong đó thông tin được ghi chép lại một cách tuần tự, sau đó được liên kết với nhau và được bảo mật bằng phương pháp mã hóa.
Việc mã hóa được thực hiện bởi một số máy tính trên mạng (được gọi là thợ mỏ, tiếng Anh: Miners).
Mỗi khối chứa một nhóm các giao dịch (hoặc mục) và một liên kết an toàn (được gọi là hàm băm, tiếng Anh là hash) đến khối trước đó.
Cấu trúc của một chuỗi khối, nguồn: The World Bank
Các giao dịch mới được chèn vào chuỗi chỉ sau khi được xác thực thông qua cơ chế đồng thuận (consensus mechanism). Trong đó, các thành viên có quyền sẽ chấp thuận về giao dịch mới và lệnh trước đó đã được hoàn thành.
Quá trình cập nhật chuỗi khối đòi hỏi sức mạnh tính toán (computing power) lớn khiến việc thao túng dữ liệu lịch sử của bên thứ ba rất khó khăn và tốn kém. Để thao tác dữ liệu lịch sử, một cá nhân hoặc tổ chức sẽ phải kiểm soát phần lớn các nút mạng (nodes). Do đó, mạng lưới càng lớn thì có tính bảo mật càng cao.
Phân loại chuỗi khối
Xét về quyền truy cập: Chuỗi khối riêng tư (private blockchain)và chuỗi khối công khai (public blockchain).
Xét về vai trò: Chuỗi khối cần chấp thuận (permissioned blockchain) và chuỗi khối không cần chấp thuận (permissionless blockchain)
Về bản chất chuỗi khối riêng tư giống chuỗi khối cần chấp thuận, còn chuỗi khối công khai giống chuỗi khối không cần chấp thuận.
Chuỗi khối công khai/ Chuỗi khối không cần chấp thuận | Chuỗi khối riêng tư/ Chuỗi khối cần chấp thuận | |
Quản trị viên | Không có quản trị viên | Phân cấp quản trị viên |
Quyền truy cập | Tất cả thành viên đều có quyền tham gia và được xem tất cả các giao dịch | Chỉ một số thành viên được phép tham gia và có mức độ khác nhau về quyền truy cập (chỉ được xem giao dịch, chỉ được thêm giao dịch…) |
Mức độ tin tưởng giữa các thành viên | Không yêu cầu | Yêu cầu cao hơn vì sự hợp tác giữa các thành viên có thể thay đổi |
Tính bảo mật | Bảo mật thông qua qui mô mạng rộng lớn | Bảo mật thông qua kiểm soát quyền truy cập và sổ cái phân tán trong mạng có qui mô nhỏ |
Tốc độ | Tốc độ xử lí giao dịch thấp hơn nên số lượng giao dịch thấp hơn | Tốc độ xử lí giao dịch cao hơn nên cho phép số lượng giao dịch cao hơn |
Nhận dạng người dùng | Danh tính người dùng được ẩn danh hoặc được bảo vệ bởi bút danh | Xác minh danh tính thường được yêu cầu bởi quản trị viên |
Cơ chế đồng thuận (Consensus mechanisms) | Bắt buộc sử dụng cơ chế bằng chứng công việc (Proof of work) | Được phép sử dụng nhiều loại cơ chế đồng thuận |
Tài sản | Thường là tiền mã hóa của chính mình phát hành (native cryptocurrencies) nhưng cũng có thể dùng cho loại tài sản khác khi sử dụng token để đại diện | Tất cả tài sản |
Quyền sở hữu hợp pháp | Không có thực thể pháp nhân hợp pháp đại diện | Có thực thể pháp nhân hợp pháp đại diện |
Ví dụ | Bitcoin, Ethereum | R3's Corda, Hyperledger Fabric |
Qui trình ghi chép giao dịch vào vào sổ cái của chuỗi khối
1. Giao dịch diễn ra giữa người mua và người bán
2. Giao dịch được phát tới mạng máy tính (nút)
3. Nút xác thực chi tiết giao dịch và các bên tham gia giao dịch
4. Sau khi xác minh, giao dịch được kết hợp với các giao dịch khác để tạo thành một khối mới (có qui mô được xác định trước) cho dữ liệu của sổ cái
5. Khối dữ liệu này sau đó được thêm hoặc liên kết (sử dụng qui trình mã hóa) với các khối trước đó có chứa dữ liệu
6. Giao dịch được hoàn thành và sổ cái đã được cập nhật.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình CFA level I năm 2019)