Chứng chỉ lưu kí (Depositary Receipts) là gì? Các loại chứng chỉ lưu kí
Mục Lục
Chứng chỉ lưu kí (Depositary Receipts)
Chứng chỉ lưu kí trong tiếng Anh là Depositary Receipts; viết tắt là DR.
Chứng chỉ lưu kí (DR) là loại chứng khoán được giao dịch tại sở giao dịch chứng khoán trong nước, bằng đồng nội tệ và đại diện cho cổ phiếu của các công ty nước ngoài.
Nội dung
Chứng chỉ lưu kí được khởi tạo khi cổ phiếu của một công ty nước ngoài được kí gửi vào ngân hàng lưu kí tại quốc gia có sở giao dịch chứng khoán mà cổ phiếu này dự kiến sẽ giao dịch.
Ngân hàng lưu kí sau đó sẽ phát hành các chứng chỉ đại diện cho số cổ phiếu đã được kí gửi. Số lượng DR phát hành và mức giá của mỗi DR phụ thuộc vào tỉ lệ so sánh giữa DR dự kiến phát hành với số lượng cổ phiếu cơ sở. Do đó, một DR có thể đại diện cho một cổ phiếu cơ sở, nhiều cổ phiếu cơ sở hoặc một phần của cổ phiếu cơ sở.
Giá của các DR cũng bị ảnh hưởng bởi các yếu tố giống như các yếu tố ảnh hưởng đến giá cổ phiếu, trường hợp có sự chênh lệch giữa giá của DR và giá của các cổ phiếu cơ sở tại các thị trường giao dịch khác nhau có thể tạo ra cơ hội tìm kiếm lợi nhuận cho các giao dịch kinh doanh chênh lệch giá.
Ngân hàng lưu kí chịu trách nhiệm phát hành các chứng chỉ lưu kí đồng thời cũng đóng vai trò đăng kí và lưu kí. Bao gồm các nhiệm vụ xử lí các công việc như thanh toán cổ tức, thực hiện các nghĩa vụ thuế, chia tách cổ phiếu, v.v... các ngân hàng như The bank of NewYork Mellon, Deutsche Bank, JP Morgan, Citibank, v,v... được biết đến như những ngân hàng cung cấp dịch vụ lưu kí lớn nhất.
DR và giá của các cổ phiếu cơ sở tại các thị trường giao dịch khác nhau có thể tạo ra cơ hội tìm kiếm lợi nhuận cho các giao dịch kinh doanh chênh lệch giá.
Các loại chứng chỉ lưu kí
Có hai loại chứng chỉ lưu kí là chứng chỉ lưu kí toàn cầu (Global Depositary Receipt – GDR) và chứng chỉ lưu kí tại Mỹ (American Depositary Receipt – ADR).
Chứng chỉ lưu kí toàn cầu là loại chứng chỉ lưu kí được phát hành bên ngoài quốc gia của công ty có cổ phiếu cơ sở và bên ngoài Hoa Kỳ. Ngân hàng lưu kí phát hành GDR thường có trụ sở hoặc chi nhánh tại quốc gia nơi có sở giao dịch chứng khoán mà chứng chỉ lưu kí được giao dịch.
Lợi thế của GDR là nó không bị lệ thuộc bởi các qui định liên quan đến tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài hay các qui định về kiểm soát dòng vốn của các quốc gia nơi các công ty phát hành cổ phiếu đóng trụ sở bởi nó được phát hành ở nước ngoài.
Chứng chỉ lưu kí tại Mỹ (ADR) là chứng chỉ lưu kí được định bằng USD và được giao dịch trên các sở giao dịch chứng khoán của Mỹ như những cổ phiếu thường. Được tạo ra đầu tiên vào năm 1927, ADR là loại chứng chỉ lưu kí lâu đời nhất và hiện tại cũng là loại chứng chỉ lưu kí được giao dịch phổ biến nhất. ADR tạo điều kiện cho các công ty nước ngoài có thể huy động vốn từ các nhà đầu tư Mỹ.
(Tài liệu tham khảo: Tạp chí Tài chính, Chứng chỉ lưu kí - Kênh huy động vốn cho các doanh nghiệp ở thị trường nước ngoài)