Chuẩn mực kế toán quốc tế (International Accounting Standards - IAS) là gì?
Mục Lục
Chuẩn mực kế toán quốc tế
Chuẩn mực kế toán quốc tế trong tiếng Anh gọi là: International Accounting Standards.
Chuẩn mực kế toán quốc tế là những qui định và hướng dẫn về các nguyên tắc, phương pháp kế toán có tính khuôn mẫu, nền tảng chung cho các quốc gia trong việc ghi chép và trình bày hệ thống báo cáo tài chính.
Cho đến nay, hệ thống chuẩn mực kế toán quốc tế đã được thiết lập bao gồm:
Hệ thống chuẩn mực kế toán quốc tế (IAS International Accounting Standards) cho khu vực tư nhân (private sector), hệ thống chuẩn mực kế toán công quốc tế (International Public Sector Accounting Standards – IPSAS), hệ thống chuẩn mực kế toán quốc tế về trình bày báo cáo tài chính (IFRS – International Financial Reporting Standards)…
Hệ thống chuẩn mực kế toán quốc tế (IAS) là các chuẩn mực kế toán cũ được ban hành bởi Ủy ban chuẩn mực kế toán quốc tế (IASB), một cơ quan thiết lập chuẩn mực quốc tế độc lập có trụ sở tại London. IAS đã được thay thế vào năm 2001 bởi các chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS). (Theo Investopedia)
Vai trò
Hệ thống chuẩn mực kế toán quốc tế được chấp nhận rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới và trở thành ngôn ngữ kế toán chung cho các nước có nền kinh tế thị trường phát triển và đang phát triển.
Các chuẩn mực kế toán quốc tế ra đời với mục tiêu tạo “ngôn ngữ chung” cho việc thực hành kế toán, sử dụng thông tin kế toán trong các quốc gia khác nhau.
Việc thực hành kế toán và sử dụng thông tin kế toán ở các quốc gia khác nhau luôn mang tính đa dạng vốn có của kế toán và gắn với đặc thù của nền kinh tế xã hội của từng quốc gia.
Trong giai đoạn đầu của nền kinh tế thị trường, nền kinh tế của từng quốc gia phát triển tương đối độc lập với nhau, các liên kết kinh tế chưa hình thành hoặc không đáng kể thì hệ thống thông tin kế toán của mỗi đơn vị kế toán nói riêng và mỗi quốc gia nói chung thể hiện đầy đủ nhất tính đa dạng đó.
Tuy nhiên, xu thế hội nhập về kinh tế và toàn cầu hoá nền kinh tế thế giới đã tạo ra nhu cầu tất yếu của việc quốc tế hoá hoạt động kế toán và kiểm toán.
Sự di chuyển và quốc tế hoá các nguồn lực kinh tế của từng quốc gia, doanh nghiệp đã đòi hỏi kế toán và kiểm toán phải đi trước một bước, kế toán của các nước phải có chung một mục tiêu, đối tượng phục vụ và chung một “ngôn ngữ giao tiếp”.
Chuẩn mực kế toán quốc tế được hình thành chính để đáp ứng nhu cầu này.
(Tài liệu tham khảo: Tổng quan về Kế toán quốc tế, Trung tâm Đào tạo từ xa Trường Đại học Kinh tế quốc dân)