Chuẩn hoá qui trình (Standardized work) là gì? Nội dung
Mục Lục
Chuẩn hoá qui trình
Chuẩn hoá qui trình trong tiếng Anh được gọi là Standardized work.
Chuẩn hoá qui trình là một trong các công cụ và các phương pháp được áp dụng trong sản xuất tinh gọn.
Chuẩn hoá qui trình là việc miêu tả chi tiết qui trình sản xuất sản phẩm, dịch vụ hiệu quả nhất để đạt được chất lượng đầu ra như mong muốn.
Các qui trình và hướng dẫn sản xuất được qui định rõ ràng, chi tiết và được truyền đạt đến cho mọi người để tránh sự thiếu nhất quán hoặc hiểu khác nhau về cách làm trong quá trình thực hiện các công việc.
Mục tiêu của việc chuẩn hoá là để các hoạt động sản xuất luôn được thực hiện theo một cách thống nhất, tránh những gián đoạn có thể gặp phải do thiếu các qui trình được chuẩn hoá.
Thuật ngữ liên quan
Sản xuất tinh gọn là một hệ thống các công cụ và phương pháp quản lí sản xuất nhằm loại bỏ những lãng phí, những bất hợp lí trong quá trình sản xuất để giảm chi phí sản xuất, rút ngắn thời gian sản xuất, tăng sản lượng cho doanh nghiệp.
Nguyên tắc chủ đạo của sản xuất tinh gọn là gia tăng giá trị cho khách hàng thông qua việc liên tục loại bỏ lãng phí trong suốt quá trình cung cấp sản phẩm và dịch vụ.
Nội dung
Việc chuẩn hoá qui trình trong sản xuất tinh gọn bao gồm những thành phần là:
- Trình tự thực hiện công việc tiêu chuẩn
Đó là trình tự các bước thực hiện công việc mà một người công nhân phải tuân thủ. Việc mô tả rõ ràng, chi tiết trình tự thực hiện các công việc sẽ giúp các công nhân thực hiện công việc thống nhất, hạn chế các khác biệt có thể gây ra những phế phẩm.
- Mức tồn kho tiêu chuẩn
Đó là lượng chi tiết, nguyên liệu tối thiểu cần có trên dây chuyền để hoạt động sản xuất diễn ra bình thường, không gây ra sự đình trệ cho qui trình do thiếu nguyên liệu.
- Thời gian thực hiện công việc tiêu chuẩn
Đó là thời gian thực hiện cần thiết mà một hoặc nhiều chi tiết của sản phẩm được làm ra. Nhà sản xuất phải nắm rõ thời gian thực hiện các công việc trong cả qui trình sản xuất để chủ động điều phối và giám sát sao cho quá trình sản xuất diễn ra liên tục, tránh chờ đợi.
Ví dụ, để sản xuất một chiếc bàn có nhiều công đoạn, trong đó công đoạn sơn phải mất 3 tiếng mới có thể chuyển sang công đoạn kế tiếp.
(Tài liệu tham khảo: Quản trị sản xuất, TS. Nguyễn Đình Trung, Cục Phát triển Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2012. Isixsigma)