Chu trình chính sách (Policy Process) là gì? Các giai đoạn trong chu trình chính sách
Mục Lục
Chu trình chính sách (Policy Process)
Chu trình chính sách trong tiếng Anh là Policy Process.
Chu trình chính sách (Policy Process) (hay qui trình chính sách) được hiểu là quá trình luân chuyển các giai đoạn từ khởi sự chính sách đến khi xác định được hiệu quả của chính sách trong đời sống xã hội.
Các giai đoạn trong chu trình chính sách
Nguyên tắc: Giai đoạn trước là nền tảng cho giai đoạn tiếp theo và kết quả của giai đoạn trước là thông tin cần và đủ cho giai đoạn tiếp theo.
Giai đoạn 1: Hoạch định chính sách.
Các chính sách được nghiên cứu để đề xuất nhà nước phê chuẩn và ban hành công khai. Quá trình đề xuất chính sách bao gồm việc xác định vấn đề cần ra chính sách, xác định mục tiêu mà chính sách cần đạt được và xác định các giải pháp cần thiết để đạt được tới mục tiêu đó.
Trên cơ sở lựa chọn giữa các phương án chính sách, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê chuẩn một phương án tối ưu và ban hành chính sách công để đưa vào thực thi.
Giai đoạn 2: Thực thi chính sách.
Đây là giai đoạn thực hiện các mục tiêu chính sách công trên thực tế hay nói cách khác là giai đoạn vận dụng những giải pháp định trước để đạt được các mục tiêu chính sách. Trong giai đoạn này, chính sách được biến thành kết quả thực tế.
Giai đoạn này bao gồm các hoạt động triển khai, phối hợp thực hiện kiểm tra, đôn đốc và hiệu chỉnh chính sách cùng các biện pháp tổ chức thực thi để chính sách phát huy tác dụng trong cuộc sống.
Giai đoạn 3: Phân tích, đánh giá chính sách.
Trong giai đoạn này, người ta tiến hành so sánh các kết quả của chính sách công với các mục tiêu đề ra, phân tích hiệu quả kinh tế - xã hội đạt được thông qua việc thực thi chính sách trên thực tế.
Việc đánh giá chính sách công được tiến hành dựa vào một số kĩ thuật đánh giá và các tiêu chí kinh tế - xã hội nhất định. Đánh giá chính sách có thể tiến hành thường xuyên hay định kì tuỳ theo mục đích, yêu cầu quản lí của chủ thể.
Dựa trên kết quả thu được từ việc đánh giá chính sách, nhà nước quyết định xem có nên tiếp tục duy trì chính sách đó hay không, cần sửa đổi, bổ sung chính sách đó như thế nào để có hiệu quả cao hơn, phù hợp hơn với thực tiễn. Sau khi đánh giá chính sách có thể lại phát hiện thấy những vấn đề mới nảy sinh cần được giải quyết bằng chính sách mới. Cứ như thế, qui trình chính sách được lặp lại với mức độ ngày càng hoàn thiện cả về lượng và chất.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Chính sách công, NXB Tài chính)