Chủ nghĩa tự do (Liberalism) là gì? Các trường phái
Mục Lục
Chủ nghĩa tự do
Chủ nghĩa tự do trong tiếng Anh là liberalism.
Chủ nghĩa tự do hay cách "tiếp cận tự do" là một trong những trường phái quan trọng nhất trong lý thuyết quan hệ quốc tế. Xuất hiện từ thời kì cải cách tôn giáo thế kỉ 16 ở Châu Âu, chủ nghĩa tự do đã phát triển thành một trường phái gồm nhiều nhánh tư tưởng khác nhau mặc dù cùng chung những giả định cơ bản.
Nội dung
Theo đó, chủ nghĩa tự do đề cao vai trò của các cá nhân, hạn chế vai trò của nhà nước, nhấn mạnh nguyên tắc thượng tôn pháp luật đồng thời bảo vệ các quyền tự do dân sự cá nhân, quyền sở hữu tư nhân…
Đối với chính trị trong nước, chủ nghĩa tự do cho rằng các chính thể cần tôn trọng và bảo vệ quyền tự do của các cá nhân, đặc biệt là các quyền tự do dân sự, đồng thời hạn chế sự can thiệp của nhà nước vào các hoạt động của nền kinh tế.
Đối với chính trị quốc tế, chủ nghĩa tự do đề cao vai trò của các cá nhân, tổ chức với tư cách là các tác nhân trong quan hệ quốc tế bên cạnh nhà nước. Chủ nghĩa tự do nhấn mạnh khả năng tiến bộ của con người và cho rằng các quốc gia thay vì cạnh tranh có thể hợp tác với nhau để cùng đạt được lợi ích chung, đặc biệt là thông qua các thể chế quốc tế.
Các mô hình trường phái tự do theo giả định
Theo Moravcsik, chủ nghĩa tự do dựa trên ba giả định chủ yếu:
Cá nhân và xã hội có vai trò tiên phong hơn so với nhà nước; Sự hình thành chính sách của chính phủ bắt nguồn từ việc hình thành lợi ích các nhóm xã hội quốc nội; và Vai trò của hệ thống quốc tế được hiểu như một thế giới phụ thuộc lẫn nhau, khác với giả định của chủ nghĩa hiện thực coi hệ thống thế giới bắt nguồn từ sự phân chia quyền lực giữa các quốc gia. Theo đó, hệ thống quốc tế dưới góc nhìn của các nhà tự do là một hệ thống thỏa thuận giữa các lực lượng bắt nguồn từ nội tại mỗi quốc gia.
Từ ba giả định này, Moravcsik chia trường phái tự do thành ba mô hình chính:
– Mô hình tự do cộng hòa: Sự lựa chọn chính sách đối ngoại của các quốc gia bắt đầu từ thể chế mà nó đại diện. Mô thức tự do cộng hòa nhấn mạnh lực đẩy của thể chế chính trị thông qua mức độ đại diện của người dân và nhóm dân sự đến các quyết định đối ngoại của Nhà nước.
– Mô hình tự do lý tưởng: Tương tự như mô hình cộng hòa đề cao các yếu tố nội tại của mức độ đại diện mang tính thể chế, mô hình tự do lý tưởng cũng nhấn mạnh đến mức độ đại diện trong trục quy chiếu tương tự, nhưng với trọng tâm khác là thang giá trị và chuẩn tắc.
– Mô hình tự do lợi ích: Xuất phát điểm của mô hình này là quan điểm cho rằng các quyết định chiến tranh hay hòa bình, mở cửa hay bế quan, tự do hay bảo hộ,… của mỗi quốc gia đều là kết quả của quá trình vận động hành lang của các nhóm lợi ích trong mỗi nước.
Tóm lại, dưới góc nhìn của chủ nghĩa tự do, Nhà nước được mô hình hóa như là một đấu trường cạnh tranh của các tổ chức xã hội, cá nhân và các chính sách đối ngoại là kết quả của một sự dàn xếp giữa các chủ thể trong nước tìm cách thực thi các quyền lợi thông qua: thể chế, lợi ích và thang giá trị (hay chuẩn tắc).
(Theo Thuật ngữ Quan hệ quốc tế, Đại học Quốc gia TP.HCM, NXB Chính trị Quốc gia sự thật)