Chủ nghĩa trọng nông (Agrarianism) là gì? Tiến bộ và hạn chế
Mục Lục
Chủ nghĩa trọng nông
Chủ nghĩa trọng nông hay chủ nghĩa nông nghiệp trong tiếng Anh được gọi là Agrarianism.
Chủ nghĩa trọng nông xuất hiện chủ yếu ở Pháp vào giữa thế kỉ XVIII do hoàn cảnh kinh tế đặc biệt của Pháp lúc bấy giờ là sự đình đốn của nền nông nghiệp.
Do sự bóc lột hà khắc của địa chủ phong kiến, nông dân phải nộp địa tô cao và nhiều thứ thuế khác;
Thêm vào đó là chính sách trọng thương của Cônbe đã cướp bóc nông nghiệp để phát triển công nghiệp (hạ giá ngũ cốc, thực hiện "ăn đói để xuất khẩu"...) làm cho nông nghiệp nước Pháp sa sút nghiêm trọng, nông dân túng quẫn.
Nhà triết học Vônte đã nhận xét: "Nông dân bàn tán về lúa mì nhiều hơn về thượng đế". Trong bối cảnh đó chủ nghĩa trọng nông đã ra đời nhằm giải phóng kinh tế nông nghiệp nước Pháp khỏi quan hệ sản xuất phong kiến, phát triển nông nghiệp theo kiểu tư bản chủ nghĩa.
Chủ nghĩa trọng nông là tư tưởng giải phóng kinh tế nông nghiệp, giải phóng nông dân khỏi quan hệ phong kiến. (Theo Quantri)
Những đại biểu xuất sắc của chủ nghĩa trọng nông là Phơrăngxoa Kênê (1694-1774) và Tuyếcgô (1727-1771).
Tiến bộ và hạn chế
So với chủ nghĩa trọng thương thì chủ nghĩa trọng nông đã đạt được những bước tiến bộ đáng kể trong phát triển khoa học kinh tế.
Chủ nghĩa trọng nông đã chuyển đối tượng nghiên cứu từ lĩnh vực lưu thông sang lĩnh vực sản xuất, tìm nguồn của của cải và sự giàu có của xã hội từ lĩnh vực sản xuất;
Coi sản phẩm thuần tuý (sản phẩm thặng dư) là phần chênh lệch giữa tổng sản phẩm và chi phí sản xuất;
Giá trị hàng hoá có trước khi đem trao đổi, còn lưu thông và trao đổi không tạo ra giá trị;
Lần đầu tiên việc nghiên cứu tái sản xuất xã hội được thể hiện trong "Biểu kinh tế" của Ph. Kênê... là những tư tưởng thiên tài của thời kì bấy giờ.
Tuy nhiên, chủ nghĩa trọng nông còn nhiều hạn chế:
Chỉ coi nông nghiệp là ngành sản xuất duy nhất, là nguồn gốc của sự giàu có, chưa thấy vai trò quan trọng của công nghiệp;
Chưa thấy mối quan hệ thống nhất giữa sản xuất và lưu thông.
Họ đã nghiên cứu chủ nghĩa tư bản thông qua các phạm trù: sản phẩm thuần tuý, tư bản, lao động sản xuất, kết cấu giai cấp... nhưng lại chưa phân tích được những khái niệm cơ sở như: hàng hoá, giá trị, tiền tệ, lợi nhuận.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Kinh tế chính trị Mác - Lênin, PGS. TS. Nguyễn Văn Hảo, Bộ Giáo dục và đào tạo)