Chính sách ổn định cổ tức (Stable Dividend Policy) là gì? Ưu điểm và hạn chế
Mục Lục
Chính sách ổn định cổ tức (Stable Dividend Policy)
Chính sách ổn định cổ tức trong tiếng Anh là Stable Dividend Policy. Chính sách ổn định cổ tức là chính sách mà trong đó công ty cổ phần xác định một mức cổ tức cố định hàng năm và sẽ duy trì mức cổ tức đó một cách ổn định.
Công ty sẽ tăng mức trả cổ tức hàng năm chỉ khi nào công ty chắc chắn đạt được lợi nhuận cao trong tương lai để cho phép gia tăng cổ tức và duy trì được mức cổ tức cao đó.
Các thuật ngữ liên quan
Cổ tức (Dividend) là một phần lợi nhuận sau thuế của công ty dành trả cho các cổ đông hiện hành.
Chính sách cổ tức (Dividend Policy) thể hiện quyết định giữa việc trả lợi nhuận cho cổ đông so với việc giữ lại lợi nhuận để tái đầu tư.
Nội dung của chính sách ổn định cổ tức
Theo chính sách ổn định cổ tức thì cổ tức được duy trì ở mức độ nhất định và chỉ tăng cổ tức lên mức cao hơn khi công ty có thế đạt được sự gia tăng lợi nhuận một cách vững chắc, đủ khả năng cho phép tăng được cổ tức.
Khi đã tăng cổ tức thì công ty cố gắng duy trì cổ tức ở mức độ đã định cho đến khi công ty không thể hi vọng ngăn chặn được sự giảm sút lợi nhuận kéo dài trong tương lai.
Ưu điểm
- Chính sách ổn định cổ tức đưa ra thông tin hay tín hiệu về sự ổn định trong kinh doanh.
- Thực hiện chính sách ổn định cổ tức này sẽ tạo ra thu nhập thực tế cho cổ đông.
- Thực hiện chính sách ổn định cổ tức là một yếu tố quan trọng để ổn định thành phần cổ đông của công ty tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lí công ty.
- Chính sách ổn định cổ tức còn là yếu tố quan trọng giúp cho công ty có thể được dễ dàng niêm yết chứng khoán tại Sở giao dịch chứng khoán. Ở nhiều quốc gia, cổ phiếu muốn được niêm yết thì công ty phải trả cổ tức thường xuyên và ổn định.
Hạn chế
- Việc thực hiện chính sách ổn định cổ tức cũng có ảnh hưởng nhất định đến nguồn vốn bên trong của công ty.
- Nếu thực hiện cơ hội đầu tư thì phải phát hành cổ phiếu để huy động vốn, khi đó công ty phải bỏ ra các khoản chi phí phát hành, dẫn đến làm cho chi phí sử dụng vốn chủ sở hữu tăng lên, đồng thời cổ đông phải chia sẻ quyền kiểm soát công ty cho cổ đông mới.
Ví dụ
Lợi nhuận sau thuế (dự kiến) của công ty X = 400 triệu đồng
Cơ cấu vốn nợ trên vốn chủ sở hữu (D/E) tối ưu là 2/3
Nhu cầu vốn đầu tư (dự kiến) = 500 triệu đồng
Mức trả cổ tức năm trước 2.000 đồng/cổ phần
Số lượng cổ phần thường đang lưu hành trên thị trường 100.000 cổ phần
Tỉ lệ tăng trưởng cổ tức dự kiến 5% mỗi năm
Vậy nếu công ty thực hiện theo chính sách ổn định cổ tức thì cần phải vay vốn và phát hành cổ phần thường mới là bao nhiêu để đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư dự kiến.
Lời giải
Cổ tức mỗi cổ phần: 2.000 x (1 + 5%) = 2.100 đồng/cổ phần
Lợi nhuận dành để trả cổ tức là: 2.100 x 100.000 = 210 (triệu đồng)
Lợi nhuận để lại tái đầu tư là: 400 - 210 = 190 (triệu đồng)
Vốn cần thiết để đáp ứng nhu cầu đầu tư dự kiến đáp ứng cơ cấu tối ưu là
(Trong 500 triệu đồng, 2 phần là vốn nợ, 3 phần là vốn chủ sở hữu)
-> 200 triệu đồng vốn vay, 300 triệu đồng vốn chủ sở hữu
Như vậy, để đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư dự kiến, công ty X cần:
Vay nợ: 200 triệu đồng
Phát hành cổ phần thường mới: 300 - 190 = 110 (triệu đồng)
Liên hệ thực tiễn
Ngày nay, khi nền kinh tế phát triển nhanh, do ảnh hưởng của lạm phát xảy ra liên tục kết hợp với việc tái đầu tư lợi nhuận đã thúc đẩy sự tăng trưởng lợi nhuận, vì vậy có rất nhiều công ty đang theo đuổi chính sách ổn định cổ tức đã chuyển sang chính sách ổn định cổ tức có điều chỉnh, còn gọi là chính sách cổ tức có tỉ lệ tăng trưởng ổn định.
Như vậy, sự ổn định cổ tức ở đây không phải là cố định.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Tài chính doanh nghiệp, NXB Tài chính)