Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội là gì? Đặc trưng cơ bản
Mục Lục
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội hay chiến lược phát triển trong tiếng Anh gọi là: Socio-economic development strategy.
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội được hiểu đầy đủ là một hệ thống các phân tích, đánh giá và lựa chọn thể hiện những quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu của một quá trình phát triển mong muốn và sự nhất quán về con đường và các giải pháp cơ bản để thực hiện.
Bản chất và cũng là chức năng chính của chiến lược phát triển (so với các bộ phận khác trong hệ thống kế hoạch hóa phát triển) là sự lựa chọn hướng và cách đi tối ưu mang tính tổng thể trong lộ trình phát triển dài hạn.
Về hướng đi, chiến lược phát triển cung cấp "tầm nhìn" của một quá trình phát triển mong muốn, đó là một bức tranh thể hiện viễn cảnh mong muốn mà quá trình phát triển nhằm đạt tới.
Còn về cách đi, chiến lược phát triển thể hiện "đường đi nước bước" để đạt tới mục tiêu mong muốn, tức là vạch ra con đường (lộ trình) tổng thể cho việc đi tới đích cuối cùng là như thế nào, bao gồm mô hình phát triển, thể chế, cơ chế vận hành sự phát triển.
Trong hệ thống kế hoạch hóa phát triển, chiến lược phát triển có chức năng hướng dẫn tổng thể, làm cơ sở cho việc định hướng và xác định các nhiệm vụ mang tính từng mặt, từng thời điểm, từng khu vực đối với các văn bản qui hoạch, kế hoạch phát triển.
Chiến lược phát triển hướng dẫn các nhà hoạch địch chính sách trong việc huy động và phân bổ các nguồn lực theo đúng mục tiêu.
Các bộ phận chiến lược thuộc phạm vi chiến lược phát triển kinh tế - xã hội xét trên phạm vi tổng thể quốc gia, bao gồm: chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước; chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân; chiến lược phát triển kinh tế- xã hội vùng, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Các chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp hay chiến lược sản phẩm của doanh nghiệp không thuộc phạm vi của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội xét trên phạm vi tổng thể quốc gia.
Đặc trưng cơ bản
- Tính chất dài hạn và sự tương đối trong phân đoạn thời gian;
- Tính chất định tính là chủ yếu;
- Tính hướng đích và thể hiện sự đột phá, ưu tiên.
(Tài liệu tham khảo: Kế hoạch hóa phát triển, GS.TS. Ngô Thắng Lợi, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân, 2019)