Chiến lược hàng giảm giá sốc (Doorbuster) là gì? Mục đích
Mục Lục
Chiến lược hàng giảm giá sốc
Chiến lược hàng giảm giá sốc trong tiếng Anh được gọi là Doorbuster hay Doorcrasher hay Doorsmasher. Dịch theo nghĩa đen là xông vào khi cửa mở.
Chiến lược hàng giảm giá sốc là một chiến lược bán hàng và marketing mà các nhà bán lẻ sử dụng để có được lượng khách hàng lớn đến cửa hàng của họ khi mở cửa. Trong đó, một số mặt hàng cụ thể hay được lựa chọn sẽ được giảm giá mạnh trong một khoảng thời gian giới hạn nào đó khiến cho khách hàng đổ xô tới cửa hàng để mua chúng.
Chiến lược hàng giảm giá sốc thường được áp dụng trong những sự kiện mua sắm đặc biệt liên quan tới các ngày lễ.
Mục đích
Chiến lược hàng giảm giá sốc là một chiến lược để phục vụ cho mục đích kép. Mục đích chính là để tạo doanh thu. Một số công ty áp dụng chiến lược này vài lần mỗi năm để thúc đẩy doanh thu và giải quyết lượng hàng tồn kho theo mùa (Seasonal inventory).
Mục đích là để thu hút khách hàng đến cửa hàng để mua những mặt hàng được giảm giá, đồng thời xem những mặt hàng khác mà cửa hàng bán.
Ý tưởng đằng sau chiến lược giới hạn thời gian giảm giá là để khách hàng đổ xô vào cửa hàng tận dụng các ưu đãi, đồng nghĩa với việc khiến khách hàng không thể tới cửa hàng của đối thủ cạnh tranh.
Do đó, mục đích của hàng giảm giá sốc cũng tương tự như chiến lược định giá lỗ để kéo khách hàng (Loss Leader Strategy), trong đó thu hút khách hàng bằng các món đồ giảm giá cực sâu, thường là ở mức lỗ.
Ở Mỹ, một trong những mùa tổ chức sự kiện hàng giảm giá sốc lớn nhất là mùa mua sắm giảm giá cuối năm (Holiday shopping season), kéo dài từ trước ngày Black Friday đến Giáng Sinh.
Tạo ra khoản doanh thu lớn trong thời kì quan trọng này là rất quan trọng để kết thúc năm và chiến lược hàng giảm giá sốc là một công cụ hiệu quả để đạt được mục tiêu doanh thu này.
Rất nhiều nhà bán lẻ không thích sự kiện hàng giảm giá sốc bởi vì chúng tạo ra sự căng thẳng cho nhân viên. Tuy nhiên, các công ty buộc phải tham gia để theo kịp các đối thủ và thu hút những khách hàng thích mặc cả tới cửa hàng của họ.
Ví dụ
Chiến lược hàng giảm giá sốc có thể giới hạn vế số lượng mặt hàng được giảm giá hoặc giới hạn về mặt thời gian giảm giá, sau khi kết thúc, các mặt hàng sẽ trở lại giá bình thường.
Khi những mặt hàng giảm giá cực mạnh nhưng với số lương rất ít được bán ra, chúng thường sẽ hết rất nhanh, khi bán những mặt hàng này với mức giá bình thường có thể tạo ra hiện tượng treo đầu dê bán thịt chó (Bait and switch).
Hành vi này được coi là bán hàng không công bằng và là bất hợp pháp ở nhiều đất nước. Rất nhiều nhà bán lẻ hiện nay đã tiết lộ chính xác có bao nhiêu mặt hàng được giảm giá sốc trong kho.
(Tài liệu tham khảo: Doorbuster, Investopedia)