Chiến lược chức năng (Functional-level strategy) là gì? Mục tiêu và vai trò
Mục Lục
Chiến lược chức năng
Chiến lược chức năng hay còn gọi là Chiến lược cấp chức năng trong tiếng Anh được gọi là Functional-level strategy.
- Chiến lược chức năng là các chiến lược marketing, tài chính, sản xuất, hậu cần và nguồn nhân lực.
Các chiến lược này được xây dựng tập trung vào một chức năng xác định nhằm phát huy năng lực, đồng thời đảm bảo phối hợp các hoạt động khác nhau ở từng bộ phận chức năng để đạt tới mục tiêu của chiến lược cấp kinh doanh cũng như chiến lược cấp công ty.
- Chiến lược cấp chức năng là những kế hoạch tác nghiệp trong từng lĩnh vực chức năng để cụ thể hoá các chiến lược cấp công ty và cấp đơn vị kinh doanh chiến lược (Strategic Business Unit – SBU) vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
Nó bao gồm những mục tiêu ngắn hạn (có thể cả trung hạn) và các biện pháp cụ thể để Ban quản lí chỉ đạo hoạt động thường nhật của đơn vị.
Mục tiêu chiến lược
Chiến lược chức năng thường hướng vào 4 mục tiêu cụ thể dưới đây:
- Nâng cao hiệu quả
- Nâng cao chất lượng
- Đổi mới
- Đáp lại khách hàng
Vai trò chiến lược
Các chiến lược chức năng cụ thể hóa chiến lược kinh doanh và được coi như những hoạt động căn bản của quá trình kinh doanh. Các chiến lược chức năng đóng vai trò rất quan trọng, cụ thể:
Các chiến lược chức năng có vai trò hỗ trợ chiến lược kinh doanh tổng thể.
Các chiến lược chức năng chỉ rõ những công việc mà các nhà quản trị chức năng phải làm để bảo đảm hiệu suất cao hơn trong các lĩnh vực chức năng tương ứng của họ.
Các chiến lược chức năng sẽ tạo ra sự khác biệt, đặc trưng, giúp công ty đạt được lợi thế cạnh tranh.
Các cấp xây dựng chiến lược trong doanh nghiệp
Hệ thống chiến lược trong doanh nghiệp đơn ngành và đa ngành về cơ bản là giống nhau về các thức xây dựng, nội dung và triển khai.
Tuy nhiên, trong doanh nghiệp đơn ngành hệ thống chiến lược thường đơn giản nhằm hỗ trợ doanh nghiệp triển khai trong một lĩnh vực kinh doanh đơn nhất.
Ngược lại, trong doanh nghiệp đa ngành, hệ thống chiến lược thường phức tạp và được tổ chức thành nhiều cấp hơn.
- Trong doanh nghiệp đa ngành
Hệ thống chiến lược được chia thành ba cấp: chiến lược cấp doanh nghiệp (Corporate-level strategy), chiến lược cấp đơn vị kinh doanh (Business-level strategy) và chiến lược cấp chức năng (Functional-level strategy).
- Trong doanh nghiệp đơn ngành chỉ có hai cấp xây dựng chiến lược là cấp doanh nghiệp và cấp chức năng.
Bảng so sánh các cấp xây dựng chiến lược trong doanh nghiệp
TT | Tiêu chí | Cấp xây dựng chiến lược | ||
Doanh nghiệp | Đơn vị kinh doanh | Chức năng | ||
1 | Thời gian xây dựng | Dài hạn | Trung hạn | Ngắn hạn |
2 | Loại quyết định | Định hướng | Hỗn hợp | Tác nghiệp |
3 | Mức độ rủi ro | Cao | Thấp | Trung bình |
4 | Mức độ tác động | Trọng đại | Lớn | Không lớn |
5 | Khả năng thu lợi nhuận | Cao | Trung bình | Thấp |
6 | Tính linh hoạt | Cao | Trung bình | Thấp |
7 | Tính cụ thể | Thấp | Trung bình | Cụ thể cao |
8 | Tính đổi mới | Đổi mới | Hỗn hợp | Tính lặp lại |
9 | Cấp ra quyết định | Cấp cao | Cấp trung | Cấp thấp |
Chiến lược ở các cấp khác nhau vẫn có tác động lẫn nhau. Chiến lược ở cấp cao hơn mang tính định hướng và là căn cứ để xây dựng chiến lược ở cấp thấp hơn, trong khi chiến lược ở cấp thấp được xây dựng để nhằm góp phần đạt được mục tiêu đề ra trong chiến lược ở cấp cao hơn.
(Tài liệu tham khảo: Tài liệu Các loại chiến lược của doanh nghiệp, Trung tâm đào tạo từ xa, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Quản trị chiến lược, Tiến sĩ Nguyễn Văn Sơn)