Chia sẻ kì nghỉ (Timeshare) là gì? Các loại hình đầu tư
Mục Lục
Chia sẻ kì nghỉ
Chia sẻ kì nghỉ trong tiếng Anh được gọi là Timeshare.
- Timeshare là từ ghép, kết hợp của 2 từ Time (thời gian) và Share (chia sẻ).
Đây là các hoạt động chia sẻ thời gian nghỉ dưỡng (sharing vacation time) tại các khu du lịch resort trong một khung phận địa lí nhất định.
Nói cách khác, Timeshare là việc mua quyền sở hữu một bất động sản trong một khoảng thời gian nhất định và trong một khoảng địa lí được chọn lựa.
- Timeshare là hình thức một nhóm người mua chung phần tài sản là bất động sản và địa điểm du lịch với số hạn mức ngày sử dụng nhất định. Khi đó, người mua sẽ trả số tiền tương ứng cùng tiền phí hàng năm cho chủ đầu tư.
Trong thời gian đó, người mua có thể làm bất kì điều gì với phần tài sản đó, họ có thể du lịch, nghỉ dưỡng hoặc kinh doanh bằng cách cho thuê lại. Thậm chí, nếu không muốn sở hữu họ có thể bán lại cho người khác.
Không chỉ vậy, hình thức Timeshare còn cho phép người sở hữu có quyền trao đổi giữa các tài sản với điều kiện tài sản phải được đăng kí hình thức Timeshare.
Ví dụ như chuyển đổi từ resort này sang resort khác trên toàn thế giới với điều kiện resort có mặt trong danh sách Timeshare.
3 kiểu đầu tư Timeshare điển hình
Các sản phẩm Timeshare có thể phân loại với 3 hình thức phố biến.
- Thứ nhất, Deeded Interests (tạm dịch là "hợp đồng bán đứt tài sản"): người mua sẽ nhận được quyền sở hữu tài sản được mua từ những người phát triển và vận hành hệ thống Timeshare.
Người mua Timeshare bằng phương thức này sẽ được nhận quyền sở hữu hợp pháp và quyền sử dụng tài sản đó theo khoảng thời gian được đưa ra cụ thể trong hợp đồng.
Dưới hình thức 'deeded', người mua có quyền hợp pháp để: Sử dụng vĩnh viễn tài sản đó; Cho phép để lại như một tài sản thừa kế cho các thành viên trong gia đình; Bán bất động sản khi mà khách hàng không còn muốn giữ tài sản đó.
- Thứ hai, Right-to-use (tạm dịch là "hợp đồng quyền sử dụng"): Với hình thức này người mua không có quyền sở hữu tài sản, mà sẽ được sử dụng các cơ sở vật chất của Timeshare trong những khoảng thời gian nhất định.
Khi hết thời hạn của khoảng thời gian sở hữu như trên hợp đồng, quyền của người mua đối với bất động sản đó sẽ bị xóa bỏ trừ trường hợp họ tiếp tục kí hợp đồng gia hạn.
- Thứ ba, Leasehold agreements (tạm dịch "Hợp đồng thuê bất động sản"): loại giao kèo này cũng giống với hình thức quyền sử dụng, tức người mua có quyền nắm giữ quyền lợi thuê bất động sản theo hợp đồng.
Các quyền lợi này luôn thấp hơn so với quyền lợi của người nắm giữ toàn bộ tài sản đó (full ownership interest).
Trong thực tế, điều này có nghĩa là người mua có quyền sống ở những đơn vị Timeshare trong một khoảng thời gian nhất định, và khi kết thúc thời hạn cho thuê, bất động sản đó sẽ được trao trả lại cho người phát triển và vận hành hệ thống.
Một trong những sự khác biệt căn bản giữa "leasehold arrangement" và "right-to-use contract" đó là về khoảng thời gian hiệu lực của hợp đồng. Thông thường thì hợp đồng của 'leasehold' sẽ trong một khoảng thời gian ngắn hơn so với hợp đồng 'right-to-use'.
Lợi ích
Mặc dù còn khá mới mẻ và khác với tập quán sở hữu của người Việt, nhưng Timeshare lại cung cấp rất nhiều lợi ích cho người sở hữu.
- Lợi ích về tài chính
Timeshare giúp người sở hữu tiết kiệm được một khoản chi phí lớn bởi đầu tư cùng nhóm người, nhưng vẫn sở hữu được các bất động sản nghỉ dưỡng, căn hộ sang trọng và đẳng cấp.
- Quyền sử dụng tài sản
Chủ sở hữu Timeshare được toàn quyền sử dụng và khai thác tài sản trong thời gian đã mua. Người sở hữu có thể kinh doanh, cho thuê, chuyển nhượng hoặc bán lại.
- Trao đổi kì nghỉ xuyên lục địa
Người sở hữu có thể trao đổi Timeshare với một Timeshare khác bất kì đâu trên khắp thế giới chỉ cần tài sản đó có trong danh sách trao đổi Timeshare.
(Tài liệu tham khảo: Quản trị Nhà hàng Khách sạn, Trường trung cấp Kinh tế - Du lịch, TP Hồ Chí Minh. Tạp chí điện tử bất động sản Việt Nam)