Chỉ số VIX (CBOE Volatility Index - VIX) là gì? Những đặc điểm cần lưu ý
Mục Lục
Chỉ số VIX
Chỉ số VIX, tiếng Anh gọi là CBOE Volatility Index, viết tắt là VIX.
Chỉ số VIX được tạo ra bởi Sàn giao dịch Quyền chọn Chicago (Chicago Board Option Exchange - CBOE). Chỉ số VIX là một chỉ số thị trường theo thời gian thực thể hiện độ dao động dự báo của thị trường trong 30 ngày tới.
Có nguồn gốc từ quyền chọn chỉ số S&P 500, chỉ số VIX cung cấp một thước đo độ rủi ro của thị trường và tâm lí của nhà đầu tư. Nó còn thường được gọi là Thước đo sự sợ hãi (Fear Gauge) hay Chỉ số nỗi sợ (Fear Index).
Những nhà đầu tư, nhà phân tích và người quản lí danh mục sẽ xem xét giá trị của chỉ số VIX để đo lường mức độ rủi ro, sợ hãi và căng thẳng của thị trường trước khi đưa ra quyết định đầu tư.
Hiểu rõ hơn về chỉ số VIX
Đối với những công cụ tài chính như chứng khoán, độ dao động (volatility) là một thước đo thống kê mức độ biến động giá quan sát được trong một khoản thời gian. Giá càng biến động mạnh thì độ dao động càng cao và ngược lại.
Trong đầu tư, độ dao động là một chỉ báo cho thấy mức độ lớn hay nhỏ trong biến động của giá cổ phiếu, chỉ số ngành hay chỉ số thị trường. Nó đại diện cho mức độ rủi ro liên quan đối với loại cổ phiếu, ngành hay thị trường đó.
Việc có một thước đo định lượng chuẩn cho độ dao động sẽ giúp nhà đầu tư dễ dàng so sánh xu hướng giá khả thi và các rủi ro liên quan giữa những cổ phiếu, ngành và thị trường khác nhau.
Chỉ số VIX là hệ thống chỉ số đầu tiên được giới thiệu bởi Sàn giao dịch Quyền chọn Chicago giúp đo lường độ dao động khả thi của thị trường trong tương lai. Vì là một chỉ số dự báo tương lai nên nó được tạo ra từ quyền chọn chỉ số S&P 500 và thể hiện độ dao động dự báo trong tương lai 30 ngày của chỉ số S&P 500. S&P 500 được coi là chỉ số hàng đầu của thị trường chứng khoán Mỹ.
Được giới thiệu lần đầu vào năm 1993, chỉ số VIX giờ đây đã trở thành một thước đo uy tín và được công nhận rộng rãi trên toàn cầu trong việc dự báo độ dao động của thị trường vốn tại Mỹ.
(Theo Investopedia)