Chi phí xây dựng cơ bản dở dang (Construction in progress - CIP) là gì? Kế toán CIP
Mục Lục
Chi phí xây dựng cơ bản dở dang (Construction in progress - CIP)
Chi phí xây dựng cơ bản dở dang trong tiếng Anh là Construction in progress, viết tắt CIP.
Chi phí xây dựng cơ bản dở dang là toàn bộ chi phí cần thiết để xây dựng mới hoặc sửa chữa, cải tạo, mở rộng hay trang bị lại kĩ thuật công trình.
Chi phí xây dựng cơ bản dở dang (XDCB) được xác định trên cơ sở khối lượng công việc, hệ thống định mức, chỉ tiêu kinh tế - kĩ thuật và các chế độ chính sách của Nhà nước, đồng thời phải phù hợp những yếu tố khách quan của thị trường trong từng thời kì và được thực hiện theo qui chế về quản lí đầu tư XDCB. Chi phí đầu tư XDCB, bao gồm:
- Chi phí xây dựng
- Chi phí thiết bị
- Chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư
- Chi phí quản lí dự án
- Chi phí tư vấn đầu tư xây dựng
- Chi phí khác
Nguyên tắc kế toán
1) Kế toán cần mở chi tiết theo từng công trình, hạng mục công trình. Ở mỗi hạng mục công trình phải được hạch toán chi tiết từng nội dung chi phí đầu tư XDCB và được theo dõi lũy kế kể từ khi khởi công đến khi công trình, hạng mục công trình hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng.
2) Kế toán phải tiến hành tính toán, phân bổ chi phí quản lí dự án và chi phí khác cho từng công trình theo nguyên tắc:
- Nếu xác định được riêng các chi phí quản lí dự án và chi phí khác liên quan trực tiếp đến từng công trình thì tính trực tiếp cho công trình đó
- Các chi phí quản lí dự án và chi phí khác chi chung có liên quan đến nhiều công trình mà không tính trực tiếp được cho từng công trình thì đơn vị được quyền phân bổ theo những tiêu thức phù hợp nhất với từng công trình.
3) Trường hợp dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng nhưng quyết toán dự án chưa được duyệt thì doanh nghiệp ghi tăng nguyên giá TSCĐ theo giá tạm tính (giá tạm tính phải căn cứ vào chi phí thực tế đã bỏ ra để có được TSCĐ) để trích khấu hao, nhưng sau đó phải điều chỉnh theo giá quyết toán được phê duyệt.
4) Chi phí sửa chữa, bảo dưỡng, duy trì cho TSCĐ hoạt động bình thường được hạch toán trực tiếp vào chi phí sản xuất, kinh doanh trong kì.
5) Đối với các TSCĐ theo yêu cầu kĩ thuật phải sửa chữa, bảo trì, duy tu định kì, kế toán được trích lập dự phòng phải trả và tính trước vào chi phí sản xuất, kinh doanh để có nguồn trang trải khi việc sửa chữa, bảo trì phát sinh.
6) Trường hợp dự án đầu tư bị hủy bỏ, doanh nghiệp phải tiến hành thanh lí và thu hồi các chi phí đã phát sinh của dự án. Phần chênh lệch giữa chi phí đầu tư thực tế phát sinh và số thu từ việc thanh lí được ghi nhận vào chi phí khác hoặc xác định trách nhiệm bồi thường của tổ chức, cá nhân để thu hồi.
(Nguồn tham khảo: Thông tư 200/2014/TT-BTC)