Cấu trúc kì hạn của lãi suất (Term Structure Of Interest Rates) là gì?
Mục Lục
Cấu trúc kì hạn của lãi suất (Term Structure Of Interest Rates)
Cấu trúc kì hạn của lãi suất trong tiếng Anh gọi là Term Structure Of Interest Rates.
Cấu trúc kì hạn của lãi suất thể hiện tính tương quan giữa những lãi suất của những công cụ nợ có kì hạn thanh toán khác nhau nhưng có cùng đặc tính về cấu trúc rủi ro.
Cấu trúc kì hạn của lãi suất giải thích nguyên nhân dẫn tới sự khác biệt về lãi suất giữa các công cụ nợ có kì hạn thanh toán khác nhau nhưng có cùng đặc tính rủi ro, tính lỏng và thuế thu nhập.
Một đồ thị phản ánh tương quan các mức lãi suất (đến khi đáo hạn) của các công cụ nợ có kì hạn thanh toán khác nhau nhưng có cùng một tình trạng rủi ro, tính lỏng và thuế được gọi là đường cong lãi suất hoàn vốn (yield curve) - mô tả cấu trúc kì hạn của lãi suất cho một loại công cụ nợ riêng biệt.
Tùy thuộc và mức độ tương quan giữa các mức lãi suất và đường lãi suất có thể dốc lên, nằm ngang hoặc dốc xuống. Các đường lãi suất có thể có những hình dạng phức tạp hơn, nhưng nói chung chúng có hình dạng dốc lên.
Cấu trúc kì hạn của lãi suất với các đặc điểm trên được giải thích bằng 3 lý thuyết: Lí thuyết dự tính, lí thuyết thị trường phân cách và lí thuyết môi trường ưu tiên.
Một lí thuyết được coi là giải thích tốt về cấu trúc kì hạn của lãi suất đòi hỏi ngoài việc giải thích được tại sao đường cong lãi suất lại có những hình dạng khác nhau ở những thời điểm khác nhau, còn phải giải thích được các hiện tượng thực tế sau:
- Lãi suất trái phiếu có kì hạn khác nhau dịch chuyển theo nhau theo thời gian
- Khi lãi suất ngắn hạn ở mức thấp, đường cong lãi suất có xu hướng dốc lên, khi lãi suất ngắn hạn ở mức cao thì đường cong lãi suất có dạng dốc xuống và bị đảo ngược.
- Đường cong lãi suất hầu hết đều có dạng dốc lên
Trong 3 lí thuyết trên, lí thuyết dự tính giúp giải thích được hiện tượng đầu tiên nhưng không giải thích được hiện tượng thứ ba, còn lí thuyết thị trường phân cách thì ngược lại, giải thích được hiện tượng thứ ba nhưng hai hiện tượng đầu không giải thích được.
Nhược điểm của cả hai lí thuyết này đã được khắc phục bằng lí thuyết thứ 3 - lý thuyết phần bù thanh khoản.
(Tài liệu tham khảo, Giáo trình Tiền tệ ngân hàng, Học viện Ngân hàng, NXB Lao Động)