Chức năng cất trữ giá trị (Store of Value) của tiền tệ là gì?
Mục Lục
Cất trữ giá trị (Store of Value)
Cất trữ giá trị - danh từ, trong tiếng Anh được dùng bởi cụm từ Store of Value.
Khi tạm thời chưa có nhu cầu sử dụng tiền tệ làm phương tiện trao đổi và thanh toán, tiền tệ được cất trữ lại để dành cho những nhu cầu giao dịch trong tương lai. Khi đó, tiền tệ có tác dụng như một nơi chưa giá trị, nơi chứa sức mua hàng hóa qua thời gian. Do đó, việc cất trữ tiền cũng tương tự như cất trữ giá trị hàng hóa hay dịch vụ mà nó có thể đổi được.
Đây là một chức năng rất hữu ích, bởi sẽ rất là bất tiện và tốn kém nếu ta phải bán hàng hóa của mình mỗi khi cần tiền để mua hàng hóa khác. Mà ngay cả khi đó, chúng ta vẫn cầm tiền như là phương tiện để cất trữ giá trị trong suốt khoảng thời gian từ lúc bán đến lúc mua cái khác. (Theo Giáo trình Tiền tệ Ngân hàng, NXB Thống kê)
Nội dung chức năng cất trữ giá trị của tiền tệ
Khi cất trữ, điều đặc biệt quan trọng là tiền phải giữ nguyên giá trị hay sức mua hàng hóa qua thời gian. Vì vậy, đồng tiền đem cất trữ phải đảm bảo yêu cầu "giá trị của nó phải ổn định". Sẽ không ai dự trữ tiền khi biết rằng đồng tiền mà mình cầm hôm nay sẽ bị giảm giá trị hoặc mất giá trị trong tương lai, khi cần đến cho các nhu cầu trao đổi, thanh toán.
Chính vì vậy mà trước đây để làm phương tiện dự trữ giá trị, tiền phải là vàng hay tiền giấy tự do đổi ra vàng. Còn ngày nay, đó là các đồng tiền có sức mua ổn định.
Tiền không phải là nơi cất trữ giá trị duy nhất. Một tài sản bất kì như cổ phiếu, trái phiếu, đất đai, nhà cửa, kim loại quí cũng đều là phuơng tiện cất trữ giá trị. Nhiều thứ trong số những tài sản đó lại xét thấy có lợi hơn so với tiền về mặt chứa giá trị, chúng có thể đem lại cho người chủ sở hữu một khoản lãi suất hoặc thu nhập hoặc một giá trị sử dụng khác.
Trong khi đó, tiền mặt có thể sẽ trở thành nơi cất trữ giá trị tồi nếu giá cả hàng hóa tăng nhanh. Song một câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao người ta vẫn giữ tiền nếu nó không phải là nơi cất trữ giá trị tốt nhất. Điều này liên quan đến một khái niệm gọi là tính thanh khoản (liquidity), tính thanh khoản phản ánh khả năng chuyển một cách dễ dàng và nhanh chóng của một loại tài sản thành tiền mặt.
Tính thanh khoản là khả năng chuyển một tài sản thành phương tiện thanh toán để chi trả cho một khoản nợ hay một khoản chi tiêu. Tính thanh khoản được xét trên hai khía cạnh: kịp thời và đủ lượng.
Như vậy một tài sản được coi là có tính thanh khoản cao khi người ta có thể bán nó bất cứ lúc nào họ muốn và bán được đúng giá trị của nó. Để có tính thanh khoản cao thì thị trường mua bán tài sản đó phải phát triển. Khi xét dưới góc độ như vậy, thì tiền sẽ là một tài sản thanh khoản nhất.
Khi có nhu cầu trao đổi, các tài sản khác sẽ đòi hỏi chi phí để chuyển thành phương tiện trao đổi. Ví dụ, khi bạn bán nhà, nhiều khi bạn phải trả một khoản phí cho người môi giới, và nếu cần tiền ngay bạn còn phải bán rẻ. Chính vì vậy, với mục đích cất trữ giá trị cho những nhu cầu tương lai gần, người ta có xu hướng cất trữ giá trị dưới dạng tiền.
Song vì tiền, nhất là tiền giấy vào ngày nay, không có một sự đảm bảo chắc chắn về sự nguyên vẹn giá trị từ khi nhận cho đến khi đem ra sử dụng, nên tiền sẽ không phải là cách lựa chọn tốt nhất để dự trữ giá trị trong thời gian dài. (Theo Giáo trình Tiền tệ Ngân hàng, NXB Thống kê)