Bồi thường thiệt hại ấn định (Liquidated damages) là gì? Ưu nhược điểm
Mục Lục
Bồi thường thiệt hại ấn định
Bồi thường thiệt hại ấn định trong tiếng Anh gọi là: Liquidated damages.
Bồi thường thiệt hại ấn định là việc một số tiền được ước tính trước cho một tổn thất khó xác định số tiền bồi thường thiệt hại trên thực tế, áp dụng cho một trong các bên, và được trình bày trong một số hợp đồng pháp lí nhất định.
Đó là một điều khoản cho phép thanh toán một khoản tiền cụ thể nếu một trong các bên vi phạm.
(Tài liệu tham khảo: Investopedia)
Ưu nhược điểm
Học giả pháp lí De Geest (1999) cho rằng bồi thường thiệt hại ấn định là một phương án có hiệu quả để các bên thỏa thuận với nhau phương pháp giải quyết tốt nhất.
Các ưu điểm của bồi thường thiệt hại ấn định là:
(1) Giúp các bên phải xác định thiệt hại khi thiệt hại xảy ra, giảm chi phí giao dịch,
(2) Giúp các bên tin tưởng vào việc thực hiện hợp đồng và cẩn trọng trong khi thực hiện hợp đồng.
Tuy nhiên bồi thường thiệt hại ấn định cũng có một số nhược điểm, đó là:
(1) Làm tăng chi phí giao dịch lúc giao kết hợp đồng (ấn định mức bồi thường sao cho hợp lí),
(2) Xác định mức bồi thường quá thấp sẽ dẫn đến việc người thực hiện hợp đồng sẽ tìm cách phá vỡ hợp đồng, xác định mức bồi thường quá cao sẽ dẫn đến việc người vi phạm hợp đồng rơi vào tình trạng mất khả năng chi trả và thực hiện hợp đồng sẽ kém hiệu quả.
Mặc dù vậy, quan điểm chung vẫn cho rằng bồi thường thiệt hại ấn định giữa các bên có quan hệ mật thiết với nhau vẫn là phương pháp hiệu quả.
Khái niệm Bồi thường thiệt hại ấn định thường đi kèm với phạt vi phạm (penalty)
Phạt vi phạm là qui định trong hợp đồng, theo đó người vi phạm sẽ phải chịu một khoản phạt, bất kể mức độ thiệt hại là bao nhiêu.
Phạt vi phạm khác qui định bồi thường thiệt hại ấn định ở chỗ trong trường hợp sau chỉ qui định có bồi thường nếu chứng minh được là có thiệt hại.
Phạt vi phạm có nhiều nhược điểm:
(1) Các bên không thể ra khỏi hợp đồng một cách có hiệu quả, phải thực hiện hợp đồng cho dù chưa chắc việc thực hiện hợp đồng là có hiệu quả nhất,
(2) Một bên có thể lợi dụng những điểm không rõ ràng trong hợp đồng để qui kết bên kia vi phạm hợp đồng.
(Tài liệu tham khảo: Kinh tế Luật, TS. Lê Nết, NXB Tri thức, 2006)