Bộ máy quan liêu (Bureaucracy) là gì? Đặc điểm và hạn chế
Mục Lục
Bộ máy quan liêu
Bộ máy quan liêu trong tiếng Anh là Bureaucracy.
Bộ máy quan liêu thường đề cập đến một tổ chức phức tạp với các hệ thống và qui trình nhiều lớp. Đây là một bộ máy quản lí có tính chuyên nghiệp cao với hàng loạt các qui tắc và thủ tục chặt chẽ, thống nhất và công bằng.
Bộ máy quan liệu được xây dựng và phát triển bởi Max Weber, một nhà xã hội học người Đức, người khởi xướng thuyết tổ chức xã hội và kinh tế trong quản lí.
Một bộ máy quan liêu mô tả các phương pháp được thiết lập trong các tổ chức lớn hoặc chính phủ. Ví dụ, một công ty dầu mỏ có thể thiết lập một bộ máy quan liêu để buộc nhân viên của mình hoàn thành kiểm tra an toàn khi hoạt động trên một giàn khoan dầu.
Đặc điểm của bộ máy quan liêu
- Bộ máy quyền lực theo hình tháp, trong đó trách nhiệm và quyền hạn gắn với mỗi chức vị được xác định rạch ròi. Nghĩa là các cơ quan về nhân sự được sắp xếp theo hệ thống thứ bậc về quyền lực, trong đó cấp dưới chịu sự kiểm soát của cấp trên.
- Những mối quan hệ và việc thực thi quyền lực không mang tính cá nhân; mỗi thành viên trong tổ chức hành động không phải với tư cách một cá nhân cụ thể nào.
- Các hoạt động được tổ chức theo những nguyên tắc rõ ràng và được áp dụng một cách thống nhất.
- Phân công lao động hợp lí dẫn đến chuyên môn hóa cao, tinh thông nghề nghiệp.
- Việc tuyển chọn nhân viên được thực hiện dựa trên cơ sở năng lực chuyên môn, không xem xét tới các mặt khác như địa vị xã hội, lòng trung thành hay sự ủng hộ của họ. Việc thăng tiến được quyết định theo các tiêu chí khách quan: thành tích, thâm niên.
- Hệ thống qui tắc, thủ tục được viết chính thức bằng văn bản, chi phối các hành động một cách nhất quán. Các qui tắc này phù hợp với các qui định pháp luật của Nhà nước và được tuân thủ nghiêm ngặt.
- Quyết định được đưa ra hợp lí theo những tiêu chí chung.
Hạn chế của bộ máy quan liêu
Weber đã dựa trên giả thuyết cho rằng đây là một mô hình lí tưởng và nếu áp dụng mô hình đó sẽ thu được hiệu quả tối đa. Tuy nhiên mô hình hành chính quan liêu còn nhiều điểm phi thực tế như:
- Quyền hạn và trách nhiệm không phải lúc nào cũng được xác định một cách hoàn toàn rạch ròi;
- Quan hệ giữa các thành viên không phải lúc nào cũng mang tính tổ chức mà trước hết mang tính cá nhân;
- Các nguyên tắc còn thiếu rõ ràng;
- Công tác tuyển chọn không chỉ dựa trên khả năng chuyên môn mà còn dựa vào những khả năng khác của cá nhân;
- Quyết định thường mang tính chủ quan.
(Theo Giáo trình Quản lí học, NXB Đại học Kinh tế quốc dân)