Bẫy dân số (Polulation trap) là gì? Nội dung về Bẫy dân số
Mục Lục
Bẫy dân số
Bẫy dân số trong tiếng Anh là Polulation trap.
Bẫy dân số là tình huống trong đó tỉ lệ tăng dân số của một nước cao hơn tỉ lệ tăng trưởng kinh tế mà nước đó có thể đạt được. Hậu quả là thu nhập bình quân đầu người giảm và việc giảm bớt tình trạng nghèo khổ của quần chúng trở nên khó khăn hơn. Để sửa chữa tình trạng này, có thể chính phủ phải tìm cách tác động vào (kìm hãm) tốc độ tăng dân số.
(Tài liệu tham khảo: Nguyễn Văn Ngọc, Từ điển Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân)
Nội dung về Bẫy dân số
Học thuyết này ban đầu được đề xuất bởi Robert Malthus trong bài nghiên cứu Nguyên tắc Dân số (Principle of Population) năm 1798. Do vậy, bẫy dân số còn được gọi là "bẫy Malthus".
Nhà kinh tế Thomas Robert Malthus cho rằng tăng trưởng dân số tác động tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế. Malthus đặc biệt bi quan cho rằng ngay khi mức lương của người lao động tăng lên cao hơn mức tối thiểu để sinh sống, người ta sẽ kết hôn sớm hơn, đẻ nhiều con hơn và điều này sẽ tạo áp lực kéo mức lương lao động xuống mức đủ để sinh sống cơ học tối thiểu.
Trong dài hạn, sự tăng trưởng nội sinh này của dân số sẽ giữ mức thu nhập của con người mãi mãi ở mức độ thấp tối thiểu. Khái niệm "bẫy Malthus" (Malthusian trap) mô tả quá trình tăng dân số ở các nước nghèo đã đưa họ chìm vào một cái bẫy thu nhập thấp và mãi mãi.
Trong điều kiện thuận lợi, bản năng duy trì giống nòi sẽ kích thích dân số tăng trưởng theo cấp số nhân nhưng sản lượng thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác sẽ chỉ tăng theo cấp số cộng do sự thoái hóa đất cũng như tài nguyên thiên nhiên. Hậu quả là sự bùng nổ dân số làm gia tăng tỉ lệ đói nghèo, qua đó kích thích các cuộc chiến tranh giành tài nguyên và đẩy nhân loại đến bờ vực hủy diệt.
Vào năm 2005, nhà nhân chủng học Jared Diamond đã thu hút sự quan tâm của công chúng khi xuất bản cuốn sách "How Societies Choose to Fail or Succed" khi nói về sự thành công và thất bại của các nền văn minh trong lịch sử. Đặc biệt, ông Diamond mô tả những người Maya hùng mạnh thời xưa đã rơi vào cái bẫy dân số Malthus khiến nền văn minh này đi về hướng hủy diệt.
Theo đó, dân số của người Maya đã tăng trưởng vượt ngưỡng hệ thống nông nghiệp lạc hậu của họ cho phép, nghĩa là nhiều dân hơn cần nhiều lương thực hơn, cần nhiều đất đai hơn nhưng chúng cũng đi kèm với phá rừng, xói mòn, hạn hán hay thoái hóa đất. Hệ quả là những cuộc chiến tranh giành nguồn tài nguyên nổ ra và đẩy cả nền văn minh này đi tới sự hủy diệt.
Có thể nói, dân số có liên hệ chặt chẽ với sự phát triển kinh tế. Dân số tăng nhanh và không thể kiểm soát ảnh hưởng không tốt tới sự tăng trưởng và phát triển của một quốc gia. Nhưng các chính sách nhân khẩu học hợp lí để tận dụng những lợi ích từ giai đoạn dân số tăng nhanh cũng có thể là động lực tốt thúc đẩy tăng trưởng.
(Tài liệu tham khảo: Bài giảng Chính sách phát triển, Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright)