Bảo lãnh thanh toán (Payment Guarantee) và bảo lãnh dự thầu (Tender Guarantee) là gì?
Mục Lục
Bảo lãnh thanh toán (Payment Guarantee)
Bảo lãnh thanh toán - danh từ, trong tiếng Anh được dùng bởi cụm từ Payment Guarantee.
Bảo lãnh thanh toán là cam kết của ngân hàng với bên nhận bảo lãnh về việc sẽ thực hiện nghĩa vụ thanh toán thay cho khách hàng trong trường hợp khách hàng không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ thanh toán đối với bên nhận bảo lãnh khi đến hạn.
Bảo lãnh thanh toán thường được dùng trong các hợp đồng mua bán thiết bị hàng hóa trả chậm như sau:
- Các bên tham gia: Nhà xuất khẩu (người bán, cung ứng) là người thụ hưởng bảo lãnh; Nhà nhập khẩu (người mua, người đặt hàng) là người yêu cầu bảo lãnh.
- Quan hệ giữa nhà xuất khẩu và nhập khẩu thực chất là quan hệ tín dụng thương mại, theo đó, người mua chấp nhận trả tiền hàng hóa theo kì hạn nợ cụ thể. Để bảo vệ mình trước rủi ro không thanh toán đầy đủ và đúng hạn của người mua, người bán có thể yêu cầu một bảo lãnh trả chậm của ngân hàng.
- Đây là loại bảo lãnh phổ biến ở các nước đang phát triển và có thể được sử dụng để thay thế cho phương thức tín dụng chứng từ. (Theo Giáo trình Ngân hàng Thương mại, NXB Thống kê)
Bảo lãnh dự thầu (Tender Guarantee)
Bảo lãnh dự thầu - danh từ, trong tiếng Anh được dùng bởi cụm từ Tender Guarantee hoặc Bid Bond.
Hình minh họa (Nguồn: isudrs)
Bảo lãnh dự thầu là cam kết của ngân hàng với bên mời thầu để bảo đảm nghĩa vụ tham gia dự thầu của khách hàng. Trường hợp khách hàng phải nộp hoặc nộp không đầy đủ tiền phạt cho bên mời thầu thì ngân hàng sẽ thực hiện nộp phạt thay.
Thông thường, đấu thầu được sử dụng để tìm nguồn cung cấp tối ưu nhất. Các bên tham gia đấu thầu bao gồm: Chủ thầu hay người mời thầu (người mua) là người thụ hưởng bảo lãnh; Người dự thầu (người bán, cung ứng) là người xin bảo lãnh.
Qui trình đấu thầu bao gồm các bước: Gọi thầu, mở thầu, và tuyên bố kết quả trúng thầu. Người dự thầu phải nộp kèm đơn dự thầu một thư bảo lãnh dự thầu do một ngân hàng phát hành.
Mục đích của bảo lãnh dự thầu là nhằm đền bù thiệt hại về thời gian và chi phí cho chủ thầu do những vi phạm của người dự thầu gây ra như rút đơn thầu, trúng thầu nhưng bỏ không kí tiếp hợp đồng cung ứng, bổ sung thêm các điều kiện khi kí hợp đồng so với bản dự thầu.
Mức bảo lãnh theo thông lệ là từ 2% đến 5% giá trị hợp đồng. Bảo lãnh dự thầu thực chất là công cụ thay thế việc kí quĩ của người dự thầu.
Bảo lãnh dự thầu còn có tác dụng để cho bên chủ thầu thấy đơn dự thầu là một đề nghị nghiêm túc và bên dự thầu sẽ kí hợp đồng nếu trúng thầu. Việc ngân hàng cấp bảo lãnh dự thầu hàm ý năng lực tài chính của người dự thầu là lành mạnh; ngoài ra, nếu trúng thầu ngân hàng sẽ xét cấp tiếp các bảo lãnh như bảo lãnh thực hiện hợp đồng, bảo lãnh đặt cọc.
Thời hạn bảo lãnh dự thầu kết thúc trong các trường hợp sau: (1) Người dự thầu trúng thầu và kí bảo lãnh thực hiện hợp đồng; (2) Người dự thầu không trúng thầu. (Theo Giáo trình Ngân hàng Thương mại, NXB Thống kê)