Bảo hộ phá sản (Bankruptcy Protection) là gì? Mục đích của bảo hộ phá sản
Mục Lục
Bảo hộ phá sản (Bankruptcy Protection)
Bảo hộ phá sản trong tiếng Anh là Bankruptcy Protection.
Bảo hộ phá sản là một khái niệm được qui định tại Chương 11 Luật phá sản Hoa Kỳ, cho phép một doanh nghiệp mất khả năng thanh toán và đang đứng trước nguy cơ phá sản tiến hành các thủ tục pháp lí để xin Tòa án “bảo hộ phá sản”.
Việc bảo hộ này sẽ giúp doanh nghiệp trì hoãn việc trả nợ trong khi lên kế hoạch và thực hiện tái cơ cấu, phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh. Nếu việc phục hồi thành công, doanh nghiệp sẽ thoát khỏi nguy cơ phá sản, giải quyết được các khoản nợ và tiếp tục hoạt động kinh doanh.
Ở Việt Nam, pháp luật phá sản không qui định về bảo hộ phá sản như Hoa Kỳ, nhưng có qui định về thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh - được cho là gần tương đương với bảo hộ phá sản.
Các qui định về thủ tục phục hồi cho phép doanh nghiệp xây dựng các phương án và tiến hành các phương án phục hồi kinh doanh này dưới sự giám sát của Thẩm phán, chủ nợ, doanh nghiệp quản lí, thanh lí tài sản. Nếu như phục hồi thành công, doanh nghiệp sẽ thoát khỏi nguy cơ phá sản nhưng nếu không thành, Tòa án sẽ ra quyết định tuyên bố phá sản.
Mục đích của bảo hộ phá sản
Mục đích của bảo hộ phá sản chính là để hạn chế đến mức thấp nhất việc giải thể doanh nghiệp khi vẫn còn khả năng khôi phục hay cá nhân bị phá sản trong khi vẫn còn khả năng trả nợ.
Chế định về bảo hộ phá sản đối với doanh nghiệp xuất hiện trong pháp luật phá sản của nhiều quốc gia trên thế giới. Ở mỗi quốc gia khác nhau, thời hạn dành cho việc bảo hộ phá sản lại được qui định khác nhau.
Tuy nhiên, khoảng thời gian hợp lí và được xem là cần thiết để doanh nghiệp có thể tái cơ cấu, khôi phục lại tình trạng kinh doanh của mình là khoảng từ hai đến ba năm. Nếu hết khoảng thời gian này mà doanh nghiệp thoát khỏi tình trạng mất khả năng thanh toán thì việc giải quyết phá sản có thể được đình chỉ.
Ngược lại, nếu doanh nghiệp vẫn mất khả năng thanh toán sau khi thời gian dành cho việc phục hồi hoạt động kinh doanh đã hết thì Tòa án sẽ ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp phá sản. Còn đối với bảo hộ phá sản cá nhân thì không phải quốc gia nào cũng qui định về vấn đề này.
Ở Việt Nam, pháp luật không qui định về phá sản cá nhân. Hiện nay, có quan điểm cho rằng nên qui định về vấn đề phá sản đối với cá nhân có đăng kí kinh doanh, vì trong điều kiện kinh tế thị trường, tất cả chủ thể kinh doanh có quan hệ kinh tế, thương mại đều có quyền bình đẳng ngang nhau và đều có thể bị lâm vào tình trạng phá sản.
(Tài liệu tham khảo: tapchicongthuong.vn, phasan.com.vn)