Bảo hiểm xã hội (Social Insurance) là gì? Vai trò của bảo hiểm xã hội
Mục Lục
Bảo hiểm xã hội (Social Insurance)
Bảo hiểm xã hội trong tiếng Anh là Social Insurance. Bảo hiểm xã hội (BHXH) là quá trình san sẻ rủi ro và san sẻ tài chính giữa những người tham gia BHXH theo qui định của pháp luật.
Bảo hiểm xã hội là sự đảm bảo thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thất nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quĩ BHXH.
(Theo Luật BHXH Việt Nam năm 2006 có hiệu lực từ ngày 01/01/2007)
Bản chất và đặc trưng của bảo hiểm xã hội
Với cách hiểu về bảo hiểm xã hội như trên, bản chất của BHXH được thể hiện ở những nội dung chủ yếu sau đây:
- BHXH là nhu cầu khách quan, đa dạng và phức tạp của xã hội, nhất là trong xã hội mà sản xuất hàng hóa hoạt động theo cơ chế thị trường, mối quan hệ thuê mướn lao động phát triển đến một mức độ nào đó. Kinh tế càng phát triển thì BHXH càng đa dạng và hoàn thiện.
Vì thế có thể nói kinh tế là nền tảng của BHXH hay BHXH không vượt quá trạng thái kinh tế của mỗi nước.
- Mối quan hệ giữa các bên trong BHXH phát sinh trên cơ sở quan hệ lao động và diễn ra giữa ba bên: bên tham gia BHXH, bên BHXH và bên được BHXH. Cụ thể
+ Bên tham gia BHXH có thể chỉ là người lao động hoặc cả người lao động và người sử dụng lao động.
+ Bên BHXH (bên nhận nhiệm vụ BHXH) thông thường là cơ quan chuyên trách do Nhà nước lập ra và bảo trợ.
+ Bên được BHXH là người lao động và gia đình họ khi có đủ các điều kiện ràng buộc cần thiết.
- Đối tượng tham gia BHXH là người lao động và người sử dụng lao động. Tuy vậy, tùy theo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nước mà đối tượng này có thể là tất cả hoặc một bộ phận những người lao động nào đó.
Vai trò của bảo hiểm xã hội
(1) Đối với người tham gia bảo hiểm
- Đối với người lao động
BHXH là chính sách xã hội được Nhà nước thực hiện đối với người lao động (NLĐ). Nhờ có BHXH mà rủi ro, bất lợi của NLĐ được dàn trải, từ đó góp phần ổn định thu nhập, ổn định cuộc sống cho NLĐ và gia đình họ khi NLĐ gặp phải các rủi ro, biến cố như ốm đau, tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp, sinh đẻ hay về già…
Đồng thời, BHXH là chỗ dựa tâm lí giúp NLĐ yên tâm làm việc, gắn bó với đơn vị công tác, từ đó giúp họ phát huy khả năng sáng tạo trong lao động sản xuất, nâng cao năng suất lao động cá nhân.
- Đối với người sử dụng lao động BHXH không chỉ có vị trí quan trọng với NLĐ mà còn đem lại nhiều lợi ích cho NSDLĐ cả trước mắt và lâu dài, từ đó góp phần duy trì quan hệ lao động ổn định.
(2) Đối với xã hội
- Bảo hiểm xã hội là trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội (ASXH).
Sự vững chắc của hệ thống ASXH ở một quốc gia được phản ánh qua chính sách BHXH của quốc gia đó.
- Bảo hiểm xã hội điều tiết các chính sách trong hệ thống
An sinh xã hội, bảo hiểm xã hội, cứu trợ xã hội và ưu đãi xã hội là những nội dung của chính sách ASXH, do đó đều là những chính sách xã hội quan trọng của mỗi quốc gia.
Chúng có quan hệ chặt chẽ với nhau, bổ sung cho nhau, hỗ trợ nhau và tất cả đều góp phần ổn định cuộc sống cho mọi thành viên trong cộng đồng xã hội, từ đó góp phần ổn định xã hội.
(Tài liệu tham khảo: Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, Tổ hợp giáo dục Topica)