Bảo hiểm (Insurance) là gì? Vai trò của bảo hiểm
Mục Lục
Bảo hiểm (Insurance)
Bảo hiểm trong tiếng Anh là Insurance. Bảo hiểm là phương thức chuyển giao rủi ro được thực hiện thông qua hợp đồng bảo hiểm, trong đó bên mua bảo hiểm phải nộp tiền đóng phí bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm phải bồi thường hoặc trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.
Phân biệt bồi thường bảo hiểm và trả tiền bảo hiểm
Bồi thường bảo hiểm: được sử dụng trong các loại hình bảo hiểm thiệt hại như bảo hiểm tài sản, bảo hiểm trách nhiệm dân sự...
Trả tiền bảo hiểm: được sử dụng trong các nghiệp vụ bảo hiểm con người như bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm con người phi nhân thọ...
Vai trò kinh tế của bảo hiểm
(1) Bảo hiểm góp phần ổn định tài chính của các tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm.
Các doanh nghiệp bảo hiểm trên thị trường cung cấp các dịch vụ bảo hiểm nhằm đáp ứng nhu cầu đảm bảo sự antoàn và ổn định về mặt tài chính khi xảy ra các sự kiện bảo hiểm. Dịch vụ này nhằm tạo nguồn tài chính để các tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm ổn định kinh doanh, cuộc sống khi họ gặp rủi ro.
Thực tế, việc bồi thường hay trả tiền bảo hiểm đã giúp các tổ chức kinh tế - xã hội bảo toàn được tài sản, nguồn vốn; các cá nhân, gia đình khắc phục khó khăn về tài chính, không rơi vào tình trạng kiệt quệ về vật chất và tinh thần. Qua đó, bảo hiểm đã góp phần đảm bảo sự phát triển ổn định của nền kinh tế.
(2) Bảo hiểm đóng vai trò trung gian tài chính, huy động vốn và đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế.
Doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện thu hút, tập trung nguồn vốn nhàn rỗi, chuyển hóa vốn và đầu tư vốn.
Bảo hiểm điều tiết cung cầu - cầu vốn cho nền kinh tế. Bảo hiểm tuân thủ theo chu trình "kinh doanh ngược". Đặc điểm trong kinh doanh bảo hiểm là phí bảo hiểm thu trước, bồi thường, trả tiền bảo hiểm phát sinh sau, do đó, quĩ tiền tệ hình thành từ các khoản phí bảo hiểm phần lớn có thời gian tạm thời nhàn rỗi. Vì thế, các doanh nghiệp bảo hiểm có thể sử dụng số vốn nhàn rỗi đó để đầu tư, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế.
(3) Bảo hiểm hỗ trợ đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế.
Hoạt động bảo hiểm góp phần hỗ trợ các hoạt động kinh doanh và thúc đẩy các hoạt động thương mại. Nhiều loại hàng hoá, dịch vụ có thể tiêu thụ thuận lợi hơn trên thị trường khi có kèm theo các hợp đồng bảo hiểm cho những trách nhiệm phát sinh liên quan đến việc sử dụng hàng hoá, dịch vụ.
Trong quá trình tự do hoá thương mại và dịch vụ tài chính, bảo hiểm có vai trò quan trọng trong việc đàm phán và thực hiện các cam kết hội nhập theo lộ trình trong các phương án đàm phán song phương và đa phương như Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kì, đàm phán thương mại Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EU), gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Nhờ đó góp phần gia tăng qui mô trao đổi thương mại hàng hoá và dịch vụ, thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ của Việt Nam ra nước ngoài, góp phần thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế.
(4) Bảo hiểm góp phần ổn định ngân sách Nhà nước
Nhờ có các dịch vụ bảo hiểm do thị trường bảo hiểm cung cấp, ngân sách Nhà nước giảm nhẹ đáng kể các khoản ngân sách như chi trợ cấp do thiên tai, tai nạn bất ngờ gây ra.
Đồng thời, ngân sách nhà nước được tăng cường nhờ vào đóng góp từ các khoản như thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp của các doanh nghiệp bảo hiểm...
Vai trò xã hội của bảo hiểm
(1) Bảo hiểm góp phần phòng tránh rủi ro, hạn chế tổn thất, đảm bảo an toàn cho nền kinh tế - xã hội.
Nghề nghiệp bảo hiểm đòi hỏi các tổ chức bảo hiểm có trách nhiệm nghiên cứu rủi ro, thống kê tai nạn, tổn thất, xác định nguyên nhân, đề ra và phối hợp với các ngành, các đơn vị liên quan thực hiện các biện pháp kiểm soát, ngăn ngừa rủi ro, giảm thiểu tổn thất.
Hàng năm các doanh nghiệp bảo hiểm đều dành một khoản chi phí để thực hiện công tác đề phòng hạn chế tổn thất.
(2) Bảo hiểm tạo thêm việc làm cho người lao động
Sự phát triển hoạt động kinh doanh bảo hiểm có vai trò quan trọng trong giải quyết việc làm cho xã hội.
Thị trường bảo hiểm đã thu hút một lực lượng lớn lao động làm việc tại các doanh nghiệp bảo hiểm, môi giới bảo hiểm,… Bên cạnh đội ngũ lao động quản lí và kinh doanh, hoạt động kinh doanh bảo hiểm thu hút một lượng lớn lao động cho hệ thống đại lí bảo hiểm.
(3) Bảo hiểm tạo nên nếp sống tiết kiệm và mang đến trạng thái an toàn về tinh thần cho xã hội.
Thị trường bảo hiểm với các loại hình sản phẩm bảo hiểm đa dạng, đặc biệt lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ đã tạo ra một hình thức tiết kiệm linh hoạt, tác động đến tư duy của các cá nhân, hộ gia đình, chủ doanh nghiệp. Họ phải suy nghĩ, tính toán và dần dần sẽ hình thành ý thức và thói quen về việc dành ra một phần thu nhập để trả phí bảo hiểm với mục đích có một tương lai an toàn hơn.
Bên cạnh đó, vượt lên trên ý nghĩa tiền bạc, bảo hiểm đã mang đến trạng thái an toàn về tinh thần, giảm bớt lo âu trước rủi ro, bất trắc cho những người được bảo hiểm. Đó chính là ý nghĩa nhân văn của bảo hiểm trong xã hội hiện đại và thể hiện hình ảnh tốt đẹp của các nhà bảo hiểm trước công chúng.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Lí thuyết bảo hiểm, NXB Tài chính; Giáo trình Đại lí bảo hiểm cơ bản, NXB Tài chính)