Báo cáo Hạnh phúc Thế giới (World Happiness Report) là gì?
Mục Lục
Báo cáo Hạnh phúc Thế giới
Báo cáo Hạnh phúc Thế giới trong tiếng Anh gọi là: World Happiness Report.
Báo cáo Hạnh phúc Thế giới là một cuộc khảo sát về tình trạng hạnh phúc toàn cầu, xếp hạng mức độ hạnh phúc của công dân ở 156 quốc gia. (Theo World Happiness Report)
Báo cáo được đánh giá dựa trên các yếu tố, như: GDP bình quân đầu người, hỗ trợ xã hội, sự hào phóng, kì vọng sống lành mạnh, quyền tự do lựa chọn cuộc sống và nhận thức về tham nhũng.
Đây là báo cáo thường niên của tổ chức quốc tế lớn nhất thế giới United Nations, bảng xếp hạng quốc gia hạnh phúc lần đầu được công bố vào ngày 20 tháng 3 năm 2012. Ngày này cũng được Liên Hiệp Quốc đặt là ngày Quốc tế Hạnh phúc.
Tiêu chí đánh giá
- GDP bình quân đầu người (GDP per capita)
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là giá trị của tất cả hàng hóa và dịch vụ mà một quốc gia sản xuất hàng năm. Con số này thường được tính bởi một cơ quan thống kê của chính phủ. Mỗi quốc gia tính toán GDP một cách độc lập vì rất nhiều thông tin được phân loại bắt buộc khi tính toán con số này.
Chia GDP cho tổng dân số của một quốc gia, chúng ta sẽ có GDP bình quân đầu người. Đây được cho là phương pháp chính xác nhất để xác định mức độ giàu có của một quốc gia.
Hầu hết chúng ta đều biết, sự giàu có của một quốc gia có mối tương quan cao với hạnh phúc của nó. GDP bình quân đầu người cao cho phép sự phát triển, tăng trưởng, thuận tiện và rất nhiều thứ khác dẫn đến mức độ hạnh phúc cao hơn.
- Hỗ trợ xã hội (Social support)
Yếu tố quan trọng tiếp theo được xác định bởi Báo cáo Hạnh phúc Thế giới là “Hỗ trợ xã hội”. Yếu tố này được xác định bởi kết quả khảo sát dữ liệu của Gallup World Poll. Trong bảng khảo sát, những người phỏng vấn đã được hỏi như sau:
“Nếu bạn gặp rắc rối, bạn có người thân hoặc bạn bè mà bạn có thể tin tưởng để giúp bạn bất cứ khi nào bạn cần hay không?” Mọi người chỉ có thể trả lời “Có” hoặc “Không”, “Có” sẽ bằng “1” và “Không” sẽ bằng “0”.
Trung bình của tất cả các câu trả lời dẫn đến một giá trị duy nhất đại diện cho số lượng hỗ trợ xã hội có mặt ở một quốc gia.
- Sự hào phóng (Generosity)
Sự hào phóng cũng được xác định bởi kết quả khảo sát của Gallup World Poll. Những người phỏng vấn đã được hỏi như sau:
“Bạn đã quyên góp tiền cho một tổ chức từ thiện trong tháng qua?”. Trung bình của tất cả các phản hồi (“Có” là “1” và “Không” là “0”) sẽ xác định đầu ra của yếu tố này. Dựa vào kết quả của báo cáo, tác giả đưa ra kết luận rằng bạn sẽ hạnh phúc hơn khi bạn cố gắng và vui vẻ chia sẻ hạnh phúc của riêng bạn đến những người khác.
Đây là một bài học quí giá và thế giới sẽ trở thành một nơi tốt đẹp hơn khi nhiều người tập trung vào việc chia sẻ hạnh phúc, hạnh phúc đôi khi chỉ đơn giản là ta biết cho đi.
- Kì vọng sống lành mạnh (Healthy life expectancy)
Ước tính về kì vọng sống lành mạnh dựa trên số năm “khỏe mạnh” trung bình từ khi một đứa trẻ khi sinh ra đến khi già đi và được Liên Hiệp Quốc tính toán dựa trên hơn 100 yếu tố sức khỏe khác nhau.
Mối tương quan giữa kì vọng sống lành mạnh và Chỉ số Hạnh phúc cao có thể thấy rõ dựa vào những kết quả được hiển thị trên báo cáo.
- Quyền tự do lựa chọn cuộc sống (Freedom)
Quyền tự do lựa chọn cuộc sống là một yếu tố quan trọng khác trong Báo cáo Hạnh phúc. Cũng giống như Hỗ trợ xã hội, yếu tố này được xác định dựa trên kết quả khảo sát của Gallup World Poll. Những người phỏng vấn đã được hỏi như sau:
“Bạn có hài lòng hoặc không hài lòng với sự tự do của mình trong việc chọn lựa những việc bạn có thể làm trong cuộc sống của bạn hay không?”. Mọi người chỉ có thể trả lời “Có” hoặc “Không”, “Có” sẽ bằng “1” và “Không” sẽ bằng “0”.
Trung bình của tất cả các câu trả lời dẫn đến một giá trị duy nhất đại diện cho quyền tự do lựa chọn cuộc sống có mặt ở một quốc gia.
- Nhận thức về tham nhũng (Corruption)
Nhận thức về tham nhũng cũng được xác định là yếu tố chính trong Báo cáo Hạnh phúc năm 2019. Yếu tố này được xác định bằng cách tính trung bình dựa vào kết quả từ hai câu hỏi sau đây:
(1) “Tham nhũng có lan rộng khắp Chính phủ tại quốc gia của bạn hay không?”, và (2) “Tham nhũng có phổ biến trong các doanh nghiệp tại quốc gia của bạn hay không?”
(Tài liệu tham khảo: Nghiên cứu về báo cáo hạnh phúc - Bài học kinh nghiệm từ những quốc gia trên thế giới, Dương Ngọc Hồng, Tạp chí Công thương, 2020)