Bần cùng hóa (Alienation) là gì? Các hình thức bần cùng hóa ở giai cấp vô sản
Mục Lục
Bần cùng hóa (Alienation)
Bần cùng hóa trong tiếng Anh là Alienation.
Bần cùng hóa là khái niệm được Mác dùng để chỉ điều kiện sống của công nhân trong hệ thống tư bản chủ nghĩa. Theo Mác, xã hội công nghiệp được đặc trưng bởi sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa và hình thức tổ chức sản xuất của nó biến công nhân thành người cô lập, vô cảm và xa lạ với chính bản thân mình.
Khái niệm bần cùng hóa được dùng để chỉ tình huống này. Khi thu nhập của công nhân ngày càng suy giảm, chúng ta có tình trạng bần cùng hóa tuyệt đối. Khi thu nhập của công nhân được nâng cao, những ngày càng thấp hơn một cách tương đối so với thu nhập của giai cấp tư bản, chúng ta có tình trạng bần cùng hóa tương đối.
Các hình thức bần cùng hóa ở giai cấp vô sản
Quá trình tích lũy tư bản dẫn đến tích lũy của cải, sự giàu có về một cực (phía giai cấp tư sản) và tích lũy sự thất nghiệp bần cùng về cực đối lập (phía giai cấp vô sản). Qui mô và tốc độ tích lũy càng tăng thì giai cấp tư sản càng giàu lên nhanh chóng, còn giai cấp vô sản càng bị thất nghiệp và bần cùng. Đó là qui luật chung của tích lũy.
Bần cùng hóa giai cấp vô sản biểu hiện dưới hai hình thức là bần cùng hoá tương đối và bần cùng hoá tuyệt đối.
Bần cùng hoá tương đối giai cấp vô sản thể hiện ở tỉ trọng thu nhập của công nhân trong thu nhập quốc dân giảm xuống, mặc dù thu nhập tuyệt đối có thể tăng lên; còn tỉ trọng thu nhập của giai cấp tư sản trong thu nhập quốc dân ngày càng tăng lên.
Như vậy, bần cùng hoá tương đối giai cấp vô sản không phụ thuộc vào thu nhập và mức sống của giai cấp công nhân mà phụ thuộc vào sự chênh lệch về mức tăng thu nhập giữa hai giai cấp vô sản và tư sản.
Bần cùng hoá tuyệt đối giai cấp vô sản biểu hiện ở mức sống của công nhân bị giảm sút so với trước. Sự giảm sút này xảy ra không chỉ trong trường hợp tiêu dùng cá nhân bị giảm xuống tuyệt đối, mà cả khi tiêu dùng cá nhân tăng lên, nhưng mức tăng đó chậm hơn mức tăng của nhu cầu do hao phí sức lao động nhiều hơn.
Mức sống của công nhân giảm sút không chỉ do tiền lương thực tế giảm, mà còn do sự giảm sút của toàn bộ những điều kiện có liên quan đến đời sống vật chất và tinh thần của công nhân như mối đe dọa thường trực của nạn thất nghiệp, cường độ lao động, điều kiện môi trường lao động, nhà ở và cả điều kiện chính trị - xã hội nữa.
(Tài liệu tham khảo: Nguyễn Văn Ngọc, Từ điển Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân)