Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán lại trải qua một phiên khó lường
Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin
Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 28/10 không đổi so so với cuối ngày hôm qua, giá vàng SJC tại Hà Nội vào cuối ngày hôm nay đã giảm 100.000 đồng/lượng, hiện niêm yết tại 66,10 – 67,12 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ giảm 1,8 USD xuống mức 1.663,7 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng quay đầu giảm mạnh về dưới 1.650 USD, trước khi bật nhẹ về gần mốc này vào cuối ngày.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 110,90 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 28/10 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.693 đồng/USD, không đổi so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 24.597 – 24.877 đồng/USD.
Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giảm về 20.300 USD, thì sang phiên hôm nay đã tiếp tục lùi bước và về gần 20.100 USD/BTC vào cuối ngày.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 1,19 USD (-1,34%), xuống 87,89 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,72 USD (-0,74%), xuống 96,24 USD/thùng.
VN-Index đảo chiều giảm
Dư âm phiên bùng nổ sắc tím ngày hôm qua đã nhanh chóng biến mất bởi áp lực bán gia tăng trong nửa cuối phiên sáng nay, VN-Index bị đẩy sát về gần mốc tham chiếu.
Bước sang phiên chiều, chỉ số nhanh chóng thủng mốc 1.030 điểm. Tuy nhiên, lực cầu gia tăng mạnh vào nhóm bluechip, đã kéo thị trường giật tăng trở lại.
Chỉ số VN-Index khá nỗ lực nhưng chưa thể kéo thành công qua ngưỡng 1.040 điểm và một lần nữa thị trường chứng kiến “lời nguyền” sau 14h. Áp lực bán gia tăng sau thời điểm này đã khiến thị trường cắm đầu đi xuống và để thủng mốc tham chiếu khi đóng cửa.
Nhóm cổ phiếu thép giao dịch tiêu cực hơn, với HSG và NKG đều dư bán sàn, khối lượng khớp lệnh 16,23 triệu đơn vị và 11,81 triệu đơn vị. Trong khi đó, HPG giảm 3,4% và vẫn là mã dẫn đầu thanh khoản thị trường với hơn 31,2 triệu đơn vị.
Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 85,07 triệu đơn vị, tổng giá trị bán ròng 3.384,41 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch 28/10: VN-Index giảm nhẹ 0,65 điểm (-0,06%), xuống 1.027,36 điểm; HNX-Index tăng 0,11 điểm (+0,05%), lên 213,73 điểm; UPCoM-Index giảm 1,19 điểm (-1,54%), xuống 76,09 điểm.
Chứng khoán Mỹ
Các chỉ số trên phố Wall biến động trái chiều trong phiên thứ Năm (27/10), khi các nhà đầu tư thận trọng trước đà sụt giảm của các cổ phiếu công nghệ lớn bởi các dự báo ảm đạm.
Cổ phiếu Meta Platforms (Facebook) đã giảm tới 24,6% sau khi công bố doanh thu kỳ vọng trong quý cuối năm chỉ vào khoảng 30-32,5 tỷ USD, lợi nhuận hoạt động giảm 46% so với một năm trước xuống 5,66 tỷ USD, trong khi chi tiêu tăng vọt.
Các cổ phiếu công nghệ khác cũng mất điểm với Microsoft giảm 2,9%, Google giảm 1,8% và Apple giảm hơn 3%.
Kết thúc phiên 27/10, chỉ số Dow Jones tăng 194,17điểm (+0,61%), lên 32.033,28 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 23,30 điểm (-0,61%), xuống 3.807,30 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 178,32 điểm (-1,63%), xuống 10.792,68 điểm.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản giảm do ảnh hưởng của phố Wall đêm qua.
Mặc dù vậy, việc bán ra cũng đã được hãm lại nhờ một số điểm sáng lợi nhuận các công ty trong nước, cũng như sự thận trọng trong việc giữ vị thế, khi có cuộc họp về lãi suất trong tuần tới.
Trong khi đó, quyết định của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) khi giữ nguyên chính sách tiền tệ siêu lỏng như dự kiến cũng góp phần hạn chế ảnh hưởng đến thị trường.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 mất 0,88% xuống 27.105,30 điểm. Chỉ số Topix giảm 0,34% xuống 1,899,05 điểm.
Trong tuần, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,8%, trong khi Topix tăng 0,91%, cả hai đều ghi nhận mức tăng hàng tuần đầu tiên kể từ tuần kết thúc vào ngày 7/10.
Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III của Nhật Bản đã tăng nhanh kể từ thứ Năm và đạt mức cao nhất vào tuần tới.
Phiên này, cổ phiếu nhà sản xuất robot Fanuc hoạt động kém nhất trên Nikkei 225, giảm 5,47% sau khi cắt giảm dự báo lợi nhuận trong năm.
Mặc dù vậy, kết quả của công ty nhìn chung rất mạnh mẽ, với các công ty liên quan đến chip nổi bật, trong đó, Advantest đã tăng 2,39%.
Chứng khoán Trung Quốc giảm mạnh, do những ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 bùng phát khi làm tăng thêm lo ngại về triển vọng kinh tế mờ mịt, trong bối cảnh lo ngại rằng tăng trưởng kinh tế sẽ bị hy sinh cho các chính sách định hướng tư tưởng dưới thời ban lãnh đạo mới của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 2,25% xuống 2.915,93 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 2,47% xuống 3.541,33 điểm.
Trong tuần, chỉ số CSI 300 giảm 4% và là mức giảm tuần lớn nhất trong ba tháng rưỡi.
Thị trường bị tác động mạnh do từ Vũ Hán ở miền trung Trung Quốc đến Tây Ninh ở phía tây bắc đang tăng gấp đôi các giới hạn phong tỏa chống Covid-19.
Mặt khác, ông Tập Cận Bình đã đảm bảo nhiệm kỳ lãnh đạo thứ ba đã phá vỡ tiền lệ vào Chủ nhật và giới thiệu Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị mới với những người trung thành, dẫn đến việc các nhà đầu tư toàn cầu tháo chạy vào thứ Hai.
“Sự tập trung quyền lực nhiều hơn dưới thời Chủ tịch Tập có thể khiến các nhà đầu tư phải trả giá trước nguy cơ tiếp tục kiểm soát đại dịch gắt gao, ít hỗ trợ hơn cho khu vực tư nhân, căng thẳng địa chính trị lớn hơn với Mỹ và nguy cơ mắc sai lầm chính sách cao hơn”, các nhà phân tích của UBS nhận định.
Chứng khoán Hồng Kông cũng giảm sâu do các lo ngại về dịch bệnh và hiệu suất kém của nhóm cổ phiếu công nghệ và bất động sản.
Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 3,66% xuống 14.863,06 điểm và giảm 7% trong tuần, mức giảm tồi tệ nhất kể tháng 3/2020. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 4,08% xuống 5.028,98 điểm.
Phiên này, cổ phiếu các công ty công nghệ khổng lồ niêm yết tại Hồng Kông giảm 3,7%, trong khi các nhà phát triển bất động sản ở Đại lục giảm 4,4%.
Chứng khoán Hàn Quốc giảm do ảnh hưởng từ các nhà sản xuất chip, nhưng vẫn ghi nhận tuần tăng điểm nhờ kỳ vọng về tốc độ thắt chặt tiền tệ chậm lại ở Mỹ.
Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 20,38 điểm, tương đương 0,89% xuống 2.268,40 điểm, nhưng vẫn ghi nhận mức tăng 2,5% trong tuần giao dịch này.
Phiên này, chỉ số bị kéo xuống bởi các nhà sản xuất chip lớn, với Samsung Electronics giảm 3,7% và SK Hynix giảm 7,33%.
“Các nhà sản xuất chip Hàn Quốc, cùng với các công ty cùng ngành tại Đài Loan đã bị tác động mạnh sau tuyên bố của Tổng thống Mỹ Joe Biden về việc thúc đẩy sản xuất chip trong nước và lo ngại gia tăng về các hạn chế đối với xuất khẩu sang Trung Quốc”, Seo Sang-young, nhà phân tích tại Mirae Asset Securities cho biết.
Ở chiều ngược lại, nhà sản xuất ô tô Hyundai Motor tăng 1,23%, trong khi công ty con tăng nhờ kết quả kinh doanh quý III khả quan với Hyundai Mobis tăng 7,35%, Hyundai Glovis tăng 5,17% và Hyundai Wia tăng 2,07%.
Kết thúc phiên 28/10: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 240,04 điểm (-0,88%), xuống 27.105,20 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 66,98 điểm (-2,25%), xuống 2.915,93 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 564,88 điểm (-3,66%), xuống 14.863,06 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 20,38 điểm (-0,89%), xuống 2.268,40 điểm.
Các thông tin đáng chú ý khác
- Lợi nhuận ngân hàng vẫn khả quan
Phải co kéo cho vay do hạn mức tín dụng hạn chế, nhưng lợi nhuận quý III/2022 của ngành ngân hàng vẫn khả quan, lũy kế 9 tháng đạt mức tăng trưởng cao, triển vọng hoàn thành kế hoạch cả năm không quá khó..>> Chi tiết
- Nhiều doanh nghiệp niêm yết khó về đích lợi nhuận
Tính đến ngày 20/10/2022, có khoảng gần 300 doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính quý III/2022. Trong đó, nhiều doanh nghiệp thua lỗ, hoặc suy giảm mạnh lợi nhuận..>> Chi tiết
- Vì sao Hàn Quốc kích hoạt quỹ bình ổn trái phiếu doanh nghiệp?
Hàn Quốc sẵn sàng đưa ra các biện pháp chính sách để hỗ trợ thị trường và doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường tiền tệ có nhiều biến động..>> Chi tiết
- Kinh tế Mỹ tăng trưởng trở lại sau hai quý suy giảm liên tiếp
Xuất khẩu mạnh hơn và chi tiêu tiêu dùng bền vững cộng với thị trường lao động phát triển tốt đã giúp khôi phục tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế lớn nhất thế giới..>> Chi tiết
Thạch Bắc tổng hợp