Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán bất ngờ có phiên tốt nhất trong hơn 5 tháng
Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin
Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 27/10 giảm 100.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, giá vàng SJC tại Hà Nội vào cuối ngày hôm nay đã giảm thêm 100.000 đồng/lượng, hiện niêm yết tại 66,20 – 67,22 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng 12,4 USD lên mức 1.665,5 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng gần như chỉ dao động nhẹ quanh ngưỡng này cho đến cuối ngày.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 110,11 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 27/10 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.693 đồng/USD, giảm 5 đồng so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 24.597 – 24.877 đồng/USD.
Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua tăng lên gần 20.800 USD, thì sang phiên hôm nay đã chững lại và giảm nhẹ về gần 20.570 USD/BTC vào cuối ngày.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,04 USD (+0,05%), lên 87,95 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,46 USD (+0,48%), lên 96,15 USD/thùng.
VN-Index tăng vọt gần 35 điểm
Thanh khoản trong phiên sáng có sự cải thiện đáng kể và lực mua lan tỏa tương đối tốt ở nhiều nhóm ngành đã kéo thêm sức hút trong phiên chiều.
Thị trường bừng tỉnh ngay khi giao dịch trở lại, cầu bắt đáy hoạt động “dữ dội”, gần 100 cổ phiếu tăng trần VN-Index vọt gần 35 điểm khi đóng cửa lên gần 1.030 điểm, mức cao nhất ngày và là phiên tăng tốt nhất kể từ ngày 25/5/2022.
Các bluechip trong rổ VN30 có tới 9 mã tăng trần, với các cổ phiếu ngân hàng chiếm 6 mã là STB, BID, CTG, ACB, TCB, MBB. Ba mã khác tăng trần là SSI, GVR và VRE.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, nhóm cổ phiếu công ty chứng khoán nới đà tăng mạnh, AGR, VCI, VIX, APG, BSI, CTS, FTS, HCM, TVB cũng đều tăng hết biên độ.
Đặc biệt, cổ phiếu VND cũng đã tăng trần lên 11.350 đồng, bất chấp những nghi ngại về việc hơn 65 triệu cổ phiếu giá sàn phiên 25/10 về tài khoản.
Nhóm cổ phiếu bất động sản, xây dựng cũng đóng góp nhiều sắc tím như HDC, HDG, LDG, NTL, SCR, TDH, KHG, LHG, DXG, HQC, HAR, VCG, GEX, HBC, ASM, HHV, FCN, CTD…
Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 6,72 triệu đơn vị, tổng giá trị bán ròng đạt 172,83 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch 27/10: VN-Index tăng 34,65 điểm (+3,49%), lên 1.028,01 điểm; HNX-Index tăng 7,68 điểm (+3,73%), lên 213,63 điểm; UpCoM-Index tăng 1,44 điểm (+1,89%), lên 77,28 điểm.
Chứng khoán Mỹ
Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đã yếu đà trong phiên thứ Tư (26/10), với Nasdaq Composite và S&P 500 quay đầu giảm, do ảnh hưởng tiêu cực từ kết quả kinh doanh yếu kém từ các ông lớn công nghệ Microsoft và Alphabet.
Cổ phiếu Microsoft giảm tới 7,7% sau khi công bố doanh thu mảng đám mây thấp hơn dự báo trong quý vừa qua, bất chấp tổng doanh thu và lợi nhuận cao hơn ước tính.
Cổ phiếu Alphabet – Công ty mẹ của Google mất hơn 9%, cũng bởi việc công bố doanh thu và lợi nhuận không đạt kỳ vọng. Alphabet đã báo cáo doanh thu quảng cáo trên YouTube sụt giảm, điều này khiến nhà đầu tư cân nhắc triển vọng của các công ty công nghệ khác dựa vào chi tiêu quảng cáo.
Kết thúc phiên 26/10, chỉ số Dow Jones tăng 2,37 điểm (+0,00%), lên 31.839,11 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 28,51 điểm (-0,74%), xuống 3.830,60 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 228,12 điểm (-2,04%), xuống 10.970,99 điểm.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản giảm, khi các nhà đầu tư thận trọng trước triển vọng của các công ty, khi mùa báo cáo kết quả kinh doanh bắt đầu đến giai đoạn sôi động nhất.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,32% xuống 27.345,24 điểm. Chỉ số Topix giảm 0,66% xuống 1.905,56 điểm.
Phiên này, cổ phiếu Canon giảm mạnh nhất trong chỉ số Nikkei 225, giảm 6,22% sau khi điều chỉnh giảm dự báo lợi nhuận ròng trong năm tài chính.
Cổ phiếu Seiko Epson Corp, công ty cũng sản xuất máy in, giảm 4,79% sau cảnh báo của Canon về nhu cầu giảm do ít khách hàng làm việc tại nhà hơn.
Cổ phiếu Hitachi Construction Machinery Co Ltd có mức tăng lớn nhất trong chỉ số Nikkei 225 và tăng 4,71%, với thông báo kỳ vọng lợi nhuận hoạt động trong năm tài chính sẽ cao hơn 17,6% so với dự báo trước đó.
Chứng khoán Trung Quốc giảm, do lợi nhuận các công ty công nghiệp ảm đạm và đợt bùng phát Covid-19 đã đè nặng lên tâm lý thị trường.
Đóng cửa, Shanghai Composite mất 0,55% xuống 2,982,90 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,7% xuống 3.631,14 điểm.
Lợi nhuận tại các công ty công nghiệp của Trung Quốc giảm nhanh hơn trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 9, do ảnh hưởng của các đợt phong tỏa chống Covid-19 và cuộc khủng hoảng bất động sản đè nặng lên hoạt động của các nhà máy.
Cùng với đó, các thành phố của Trung Quốc từ Vũ Hán ở miền trung đến Tây Ninh ở phía tây bắc đang tiếp tục có các đợt phong tỏa mới, trong một cuộc tranh giành để ngăn chặn bùng phát của Covid-19.
Chứng khoán Hồng Kông tăng nhờ kỳ vọng các ngân hàng trung ương toàn sẽ thắt chặt tiền tệ chậm lại.
Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 0,72% lên 15.584,56 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 0,49% lên 5.242,86 điểm.
Tại Hồng Kông, hầu hết các lĩnh vực đều tăng, mặc dù các nhà phát triển bất động sản của Trung Quốc đã giảm 3%.
Chỉ số Công nghệ đã phục hồi trong ngày thứ ba liên tiếp, với Alibaba tăng 4,1%, trong khi JD.com tăng 5,9%.
Chứng khoán Hàn Quốc tăng vọt, được thúc đẩy bởi hy vọng thắt chặt chính sách tiền tệ chậm lại của các ngân hàng trung ương toàn cầu và kết quả kinh doanh mạnh mẽ từ các nhà sản xuất pin.
Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 39,22 điểm, tương đương 1,74% lên 2.288,78 điểm.
“Hy vọng về việc tăng lãi suất chậm lại vẫn còn nguyên vẹn, hỗ trợ tâm lý nhà đầu tư trên thị trường, bất chấp lợi nhuận yếu kém của các công ty công nghệ lớn của Mỹ,” Lee Kyoung-min, một nhà phân tích tại Daishin Securities cho biết.
Mức tăng được dẫn đầu bởi các nhà sản xuất pin sau kết quả quý III khả quan. LG Energy Solution tăng 2,08%, trong khi Samsung SDI và SK Innovation lần lượt tăng 7,39% và 10,39%.
Samsung Electronics tăng nhẹ ngay cả sau khi nhà sản xuất chip này báo cáo lợi nhuận quý III giảm 31% và cho biết những bất ổn địa chính trị có khả năng làm giảm nhu cầu cho đến đầu năm 2023.
Samsung C&T đã tăng 6,25%, mức tăng một phiên tốt nhất kể từ cuối tháng 4, sau khi lãnh đạo thực tế của Samsung Electronics Jay Y. Lee được bổ nhiệm làm chủ tịch điều hành.
Kết thúc phiên 27/10: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 86,60 điểm (-0,32%), xuống 27.345,24 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 16,60 điểm (-0,55%), xuống 2.982,90 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 110,27 điểm (+0,72%), lên 15.427,94 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 39,22 điểm (+1,74%), lên 2.288,78 điểm.
Các thông tin đáng chú ý khác
- Cuộc đua lãi suất tăng nhiệt
Cuộc đua huy động tiền gửi tiếp tục tăng nhiệt tuần qua khi nhiều ngân hàng nâng lãi suất lên các mức cao mới, 8 - 9%/năm với kỳ hạn trên 1 năm..>> Chi tiết
- Vốn ngoại và hiệu ứng tỷ giá
Tỷ giá tăng nhanh khiến các khoản đầu tư bằng tiền đồng nếu quy đổi thành USD "vô tình" bị lỗ, nhưng ngược lại sẽ là "món hời" với các khoản vốn ngoại bằng USD chưa chuyển đổi để giải ngân. Dòng vốn ngoại thế nào sẽ phải dựa trên diễn biến tỷ giá thời gian tới..>> Chi tiết
- Đầu tư cổ phiếu qua Anfin: Vốn nhỏ, rủi ro lớn
Trên thị trường gần đây xuất hiện ứng dụng đầu tư chứng khoán Anfin, cho phép người dùng tham gia với số vốn từ… 10.000 đồng trở lên..>> Chi tiết
- Giám đốc PYN Elite: "Tôi bối rối và ngạc nhiên với diễn biến hiện tại của thị trường"
Ông Petri Deryng, Giám đốc Quỹ đầu tư ngoại PYN Elite chia sẻ trong thư gửi nhà đầu tư ngày 26/10 rằng, với tư cách người quản lý danh mục, ông cũng cảm thấy bối rối và ngạc nhiên với diễn biến hiện tại của thị trường chứng khoán Việt Nam..>> Chi tiết
- IMF: Các ngân hàng trung ương nên tiếp tục tăng lãi suất
Trả lời phỏng vấn tại Berlin, Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cho biết phải đến năm 2024, hiệu quả của các chính sách nâng lãi suất mới thực sự hiện rõ trên toàn cầu..>> Chi tiết
Thạch Bắc tổng hợp