Thị trường bất động sản sẽ ra sao thời điểm cuối năm?
Giá đất nền có xu hướng giảm nhẹ
Theo các chuyên gia, từ đầu năm 2022 đến nay, giá bất động sản (BĐS) có xu hướng chung là chững lại, chỉ tăng ở một số vị trí, loại sản phẩm. Thậm chí ở nhiều nơi xa trung tâm, hạ tầng chưa đầy đủ giá đã giảm, nhà đầu tư dùng đòn bẩy tài chính nhiều đang phải tìm cách bán cắt lỗ.
Chia sẻ với phóng viên TBTCVN, anh Nguyễn Văn Hải - một nhà đầu tư BĐS ở Hà Nội chia sẻ, khoảng cuối năm 2021, trong lúc cơn sốt đất bùng phát, anh mua mảnh đất nền 50m2 ở khu vực huyện Thanh Trì với mức giá 55 triệu đồng/m2. Do cần tiền gấp, hơn 2 tháng nay, anh liên tục đăng tin rao bán mảnh đất trên. Dù cũng rao bán cắt lỗ cả trăm triệu đồng so với thời điểm mua, nhưng đến nay, anh vẫn chưa bán được.
Theo anh Đỗ Văn Trung - một chủ sàn giao dịch BĐS tại Hà Nội, mặc dù việc cắt lỗ đất nền, nhà ở chưa nhiều, nhưng đã xuất hiện lác đác và tần suất trong những tháng gần đây ngày càng tăng. Anh Trung cho biết, tại một số điểm nóng đất nền của Hà Nội như huyện Hoài Đức, Gia Lâm, Thanh Trì… giá đất thuộc những vị trí mặt đường lớn đã bắt đầu xuất hiện những lô đất được chào bán rẻ hơn 10-20% so với thời điểm trước.
Khi lãi suất tăng cao, làn sóng cắt lỗ sẽ xuất hiện
Ông Phạm Đức Toản cho rằng, hiện nay tình trạng cắt lỗ BĐS chưa nhiều bởi chỉ đang ở giai đoạn đầu, các nhà đầu tư vẫn đang chịu được áp lực. Tuy nhiên, nếu lâu hơn nữa, khi lãi suất tăng cao, làn sóng cắt lỗ sẽ xuất hiện. Do đó, nhà đầu tư phải tính toán sớm và có tầm nhìn dài hạn hơn.
“Nguyên nhân giá đất nền có xu hướng giảm giá nhẹ là hiện nay thị trường đang trầm lắng, giao dịch mua bán nhà đất đang chững lại, nhiều nhà đầu tư hay người có nhu cầu mua ở thực có tâm lý nghe ngóng xem thị trường có giảm thêm nữa để xuống tiền” - anh Trung phân tích.
Còn theo ông Nguyễn Hoàng - Giám đốc bộ phận R&D của DKRA Việt Nam, tính thanh khoản trên thị trường thứ cấp BĐS giảm rõ từ đầu năm 2022. Tuy nhiên, thị trường vẫn có giao dịch chứ không hoàn toàn đóng băng.
Trước khi nói đến câu chuyện liệu thị trường đang chậm lại để bước vào chu kỳ tăng trưởng mới thì phải nhìn vào thực tế thị trường. Hiện nay dù thanh khoản chậm, nhưng giá BĐS vẫn cao so với thu nhập của người dân. Bên cạnh đó, nguồn cung mới trong thời gian qua dù có thời điểm được cải thiện nhưng cơ bản vẫn rất thấp.
Ông Phạm Đức Toản - Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Bất động sản EZ cho rằng, giá BĐS có thể sẽ giảm trong thời gian tới. Những nhà đầu tư đã ôm hàng ở đỉnh gặp áp lực tài chính sẽ có xu hướng giảm giá hoặc bán cắt lỗ. Giá BĐS sẽ có xu hướng đi xuống, tuy nhiên biên độ xuống không nhiều vì nguồn cung đang hạn chế.
“Trên thực tế, khi giá BĐS tăng cao, giao dịch sẽ giảm bởi khách hàng không chấp nhận mức giá đó. Tuy nhiên, người bán dựa vào sự khan hiếm của thị trường vẫn kỳ vọng ở một mức giá nào đó mà không chịu bán, dẫn đến giao dịch sụt giảm. Ở khu trung tâm có thể vẫn có giao dịch, còn với những khu vực tỉnh lẻ, xa xôi, giao dịch gần như đóng băng, nhất là đất nông thôn” - ông Toản cho hay.
Nhà đầu tư thận trọng khi xuống tiền
Đánh giá về nhu cầu vốn cho thị trường BĐS, theo ông Toản, nhu cầu vốn hiện rất lớn, tuy nhiên Chính phủ đang cân nhắc bài toán lạm phát và tăng trưởng. Do đó, Chính phủ đang cân đối giữa hai yếu tố này, thông qua công cụ tài chính, đó là siết tín dụng.
“Theo tôi, trong năm 2023, tín dụng chỉ tập trung cho những lĩnh vực cần thiết như sản xuất, thương mại. Với đầu tư, kinh doanh BĐS và những lĩnh vực không có tác động tốt đến nền kinh tế sẽ bị kiểm soát chặt chẽ hơn trong thời gian tới” - ông Toản nhận định.
Ông Toản khuyến nghị, những nhà đầu tư đã tham gia thị trường, thời điểm này nên cân đối lại khoản vay, đánh giá lại giá trị sản phẩm. Trong trường hợp thấy rằng BĐS đó ổn thì có thể giữ, nhưng nếu sử dụng dòng tiền vay ngắn hạn, sắp tới chắc chắn lãi suất sẽ tăng cao, thì phải cân nhắc. Phải xác định rõ, trong năm 2023 và 2024 sẽ khó khăn trong việc thoát hàng, do vậy, cần chấp nhận bán cắt lỗ, hoặc cắt lãi để thu tiền về.
Còn theo ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, BĐS chỉ giảm giá ở một số phân khúc bị thổi giá thời gian qua, một số phân khúc có giá đất quá ảo. Còn với những phân khúc phục vụ nhu cầu thực, việc giảm giá là rất khó trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm.
Trong thời gian gần đây, giá BĐS liên tục tăng, cấu trúc thị trường phân bố mạnh vào BĐS đầu cơ, giá cao. Dòng tiền đổ mạnh cho nhu cầu trú ẩn và đầu cơ nhiều hơn phục vụ nhu cầu thực. Đang có sự phân ly mạnh mẽ giữa giá đất nền và giá căn hộ.
Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng, những tháng cuối năm, nhu cầu nhà ở cao và nguồn cung thấp tiếp tục khiến chi phí tăng vọt, trong khi thanh khoản sẽ giảm, dòng tiền dễ không còn. Các nhà đầu tư cũng có xu hướng cho dòng tiền nghỉ ngơi và trở nên thận trọng hơn.
Đất nền giảm cả lượt tìm kiếm và giá rao bán
Báo cáo thị trường BĐS quý III của một đơn vị nghiên cứu cho thấy, ảnh hưởng của lạm phát, siết tín dụng BĐS, giá BĐS tăng cao đã tạo bức tranh thị trường BĐS ảm đạm. Trong đó, đất nền là loại hình ghi nhận biến động giảm rõ rệt về cả lượt tìm kiếm và giá rao bán.
Cụ thể, những điểm nóng đất nền ngoại thành như Quốc Oai, Sóc Sơn ghi nhận lượt tìm kiếm giảm mạnh nhất là 30-39%. Tại những địa bàn khác như: Gia Lâm, Thanh Trì, Long Biên, Hoài Đức cũng giảm lần lượt 28%, 24%, 21% và 17%. Giá rao bán đất nền Hà Nội ghi nhận mức giảm sâu nhất tại Long Biên và Thanh Trì với lần lượt 10% và 9%.
Văn Nam