Tập đoàn Hòa Phát lỗ gần 1.800 tỷ đồng trong quý 3
Lũy kế 9 tháng đầu năm, tập đoàn của tỷ phú Trần Đình Long đạt 116.559 tỷ đồng doanh thu và 10.443 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt đạt 76% và 39% kế hoạch năm. So với cùng kỳ năm ngoái, doanh thu tăng 11% nhưng lợi nhuận suy giảm 61%.
Hòa Phát cho biết, kết quả kinh doanh trên là do nhu cầu thép suy yếu ở cả trong nước và thế giới, giá nguyên vật liệu trong đó đặc biệt là giá than cao gấp ba lần so với thời điểm bình thường, tín dụng thắt chặt, tỷ giá và lãi suất tăng mạnh.
Trong quý 2/2022, thị phần của Hòa Phát đã được mở rộng từ 32,6% lên 36% đối với thép xây dựng, từ 24,7% lên 29% đối với ống thép và tiếp tục duy trì trong quý 3/2022. Mặc dù vậy, doanh nghiệp thép đầu ngành cũng không tránh được “cơn bão” quét qua ngành thép do vật liệu đầu vào tăng trong khi giá thép liên tục giảm.
Trước Hòa Phát, nhiều doanh nghiệp thép đã công bố kết quả kinh doanh quý 3 cũng ghi nhận mức thua lỗ kỷ lục. Trong báo cáo công ty mẹ quý 3/2022 vừa được công bố, CTCP Thép Nam Kim (mã NKG) ghi nhận doanh thu thuần gần 4.400 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức 7.500 tỷ đồng trong quý 3 năm ngoái. Việc sản lượng và giá bán đồng loạt giảm khiến Thép Nam Kim lỗ 348 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 584 tỷ đồng.
CTCP Gang Thép Thái Nguyên (Tisco, mã TIS) lỗ sau thuế hơn 25 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi gần 10 tỷ đồng. Đây cũng là quý lỗ nặng nhất của Tisco kể từ cuối năm 2013.
CTCP Thép Vicasa - VNSteel (mã VCA) ghi nhận lợi nhuận sau thuế của công ty âm gần 22 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi gần 2 tỷ đồng. Đây cũng là quý lỗ nặng nhất của VCA kể từ khi niêm yết (năm 2010).
Thép Thủ Đức (mã chứng khoán TDS) cũng báo lỗ quý kỷ lục kể từ năm 2008. Mặc dù doanh thu thuần tăng nhẹ lên 406 tỷ đồng, song do giá vốn đội lên cao, cộng loạt chi phí tăng mạnh nên doanh nghiệp bị lỗ ròng hơn 21 tỷ đồng trong quý 3/2022, so với cùng kỳ năm trước lỗ 643 triệu đồng.
Phạm Ngọc