1. Tài chính

Sức chống chịu của kinh tế Việt Nam có dấu hiệu yếu dần

Tuy nhiên, tại kỳ họp Quốc hội thứ tư, nhiều Đại biểu cho rằng, dù nền kinh tế tiếp tục phục hồi, nhưng tăng trưởng kinh tế khả năng sẽ khó khăn hơn trong quý 4/2022 và năm 2023.

Theo các Đại biểu, từ giữa tháng 10/2022, sức chống chịu của kinh tế Việt Nam có dấu hiệu yếu dần. Động lực tăng trưởng gặp rất nhiều rào cản, thể hiện qua 3 trụ cột chính là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng. Vì vậy, 3 tháng cuối năm sẽ là thách thức khó khăn rất lớn cho chính phủ trong điều hành để đạt mục tiêu đề ra.

Ông TRẦN HOÀNG NGÂN - Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh: “Chúng ta hết sức lưu ý rằng cái thời điểm thời gian tới là như Thủ tướng chính phủ báo cáo có thuận lợi có khó khăn có, nhưng khó khăn nhiều hơn, do đó mà chúng ta phải tiếp tục phấn đấu nhiều hơn nữa, nỗ lực nhiều hơn nữa để mà thực hiện cái mục tiêu kinh tế xã hội mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã thông qua bởi vì cái kế hoạch 5 năm 2021-2025 thì chúng ta đã bị ảnh hưởng rất là nặng nề đến năm 2021 rồi, cho nên chúng ta có 4 năm để chúng ta phải hoàn thành được kế hoạch kinh tế xã hội đó, và nỗ lực đó phải rất lớn.”

Ông NGUYỄN NGỌC SƠN - Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương:Hiện nay tốc độ giải ngân vốn đầu tư rất chậm. Việc hấp thụ vốn đầu tư cho nền kinh tế cũng còn khó khăn… Hiện nay với tỷ giá đồng đô la tăng lên và lạm phát tăng cao thì các nước cũng siết chặt chính sách tiền tệ của họ. Và như thế họ cũng hạn chế tiêu dùng. Theo dự báo thì tăng trưởng về xuất khẩu 3 tháng cuối năm và sang năm 2023 cũng nhiều khó khăn.”

Xu hướng chung của nhiều tổ chức quốc tế là nâng dự báo tăng trưởng năm 2022, hạ dự báo tăng trưởng năm 2023 của Việt Nam. Trong đó lạm phát được coi là yếu tố nhiều rủi ro nhất.

Bà MICHELE WEE - Tổng Giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam: “Áp lực giá cả có thể sẽ gia tăng trong nửa cuối năm 2022 và trong năm 2023. Bên cạnh các yếu tố từ phía nguồn cùng, áp lực từ phía nguồn cầu cũng đang gia tăng. Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã đạt được những kết quả tích cực trong việc ổn định nền kinh tế trong bối cảnh của những thách thức toàn cầu.”

Ông NGUYỄN MINH CƯỜNG - Chuyên gia Kinh tế trưởng, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam: “Một trong những rủi ro lớn nhất hiện nay chính là áp lực lạm phát, chủ yếu thông qua việc FED có tiếp tục tăng lãi suấ hay không. ADB dự báo lạm phát trong năm 2022 vẫn nằm trong tầm kiểm soát, nhưng sang năm 2023 câu chuyện giữ được lạm phát dưới 4% rất thách thức.”

Trong bối cảnh này, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô cùng với tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh sẽ là nền tảng quan trọng để thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển. Đây là định hướng quan trọng để đạt mục tiêu từ nay đến cuối năm kiểm soát lạm phát dưới 4%, tăng trưởng giai đoạn 2021-2025 đạt 6,5% – 7%/năm, giải ngân vốn đầu tư công đạt 95% - 100% kế hoạch được giao.

Thực hiện : Lê Hương Hằng Nga Việt Hà Sỹ Cường Khánh Hoàng

Tin khác