'Startup lêkima'
Chị Ðỗ Thị Xuân Diệu, Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Dika Happy (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ), cùng các đồng sự đã và đang nghiên cứu triển khai dự án “Bảo tồn và nâng cao giá trị trái lêkima ở Việt Nam”. Trong đó, sản phẩm lêkima sấy dẻo đã được cung ứng thử nghiệm ra thị trường, bước đầu nhận được phản hồi tích cực của khách hàng. Dự án vừa được trao giải thưởng sáng tạo có ý nghĩa cộng đồng trong cuộc thi “Dự án khởi nghiệp nông nghiệp - Ðổi mới sáng tạo”, do Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) phối hợp Công ty CP Vinamit, Công ty CP phân bón dầu khí Cà Mau và Quỹ hỗ trợ phát triển thanh niên, tổ chức vào giữa tháng 10-2022.
Chị Ðỗ Thị Xuân Diệu gây ấn tượng với mọi người khi tham dự chương trình “Cà phê doanh nhân”, do Hiệp hội Doanh nghiệp TP Cần Thơ tổ chức đầu tháng 10-2022, bởi sự sôi nổi của startup trẻ khi nói về một loại trái cây dân dã - lêkima. Trái lêkima có màu vàng đẹp mắt, mùi thơm nhẹ, vị ngọt pha một chút vị béo, loại trái này được rất nhiều người thích ăn. Theo chị Diệu, loại trái cây dân dã này giàu chất dinh dưỡng và năng lượng, đặc biệt chứa nhiều chất oxy hóa, canxi và các loại vitamin… Theo kinh nghiệm dân gian, loại trái cây này có tác dụng chống viêm, hỗ trợ giải độc gan, chống oxy hóa, ngăn ngừa bệnh tim mạch rất tốt. Nhiều nghiên cứu trên thế giới gọi lêkima là “siêu thực phẩm mới”, trong khi ở nước ta loại trái cây này chưa được khai thác hiệu quả. Ở miền Tây, loại trái cây này khá phổ biến, nhưng chủ yếu được bày bán nhỏ lẻ, khó bảo quản, vận chuyển. Ý tưởng nghiên cứu, chế biến lêkima thành các sản phẩm tiện dụng, chất lượng theo tiêu chí “ngon và lành” bắt đầu xuất hiện. Từ tháng 5-2021, vợ chồng chị lên kế hoạch sản xuất, từ việc tìm nguồn nguyên liệu, đến nghiên cứu chế biến...
Chị Diệu chia sẻ: “Chồng tôi tốt nghiệp thạc sĩ công nghệ thực phẩm, phụ trách nghiên cứu chế biến, trong khi là cử nhân kinh tế học, tôi phụ trách tìm nguyên liệu, xây dựng kế hoạch kinh doanh”. Chị Diệu kết nối với các thương lái, tìm kiếm nguyên liệu ở các huyện ngoại thành và tỉnh Hậu Giang, nhờ vậy đã xây dựng nguồn nguyên liệu ổn định với đủ loại lêkima: sáp, tứ quý, bơ, bắp. Chồng chị nghiên cứu chế biến thành công sản phẩm lêkima sấy dẻo, bột lêkima. Tháng 6-2022, vợ chồng chị hoàn thành nhà xưởng với diện tích 110m2, bước đầu đã đưa ra thị trường sản phẩm lêkima sấy dẻo, bột lêkima, đồng thời tiếp tục nghiên cứu một số sản phẩm tiện dụng khác từ lêkima như: bánh, trà…
Từ tháng 5-2022, chị Diệu tham gia cuộc thi “Dự án khởi nghiệp nông nghiệp - Ðổi mới sáng tạo”, do BSA phối hợp Công ty CP Vinamit, Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau và Quỹ hỗ trợ phát triển thanh niên tổ chức, bằng dự án “Bảo tồn và nâng cao giá trị trái lêkima ở Việt Nam” và lọt tốp 30 dự án vào vòng chung kết cuộc thi (diễn ra vào ngày 15 và 16-10-2022). Tại vòng chung kết, dự án này được ban tổ chức trao giải thưởng sáng tạo có ý nghĩa cộng đồng và chị Diệu được hỗ trợ 50% chi phí học tập tại Thái Lan với sự hướng dẫn của các chuyên gia về khởi nghiệp. Qua cuộc thi, chị Diệu còn được các chuyên gia định hướng, tư vấn để dự án thu hút khách hàng, nhà đầu tư, tiếp tục phát triển đúng hướng. Ðây còn là cơ hội để chị tham gia các chương trình xúc tiến thương mại; nâng cao nhận thức về tiêu chuẩn, tự xây dựng và thực hành các tiêu chuẩn cần thiết và phù hợp để đảm bảo kinh doanh tốt, phát triển bền vững.
Quá trình khởi nghiệp chỉ mới giai đoạn bắt đầu, chị Diệu và các đồng sự vẫn đang tiếp tục hành trình bằng sự nhiệt huyết, tích lũy kiến thức và học hỏi từng ngày để hoàn thiện dự án, cho ra đời nhiều sản phẩm mới từ lêkima. Trân quý hơn, startup trẻ này mong muốn dự án góp phần hỗ trợ nhà vườn, tham gia vào quá trình sản xuất lêkima có sản lượng lớn cùng chất lượng tốt để cung ứng thị trường. Qua đó, tạo công ăn việc làm cho người dân, góp phần cải thiện kinh tế gia đình, cải thiện sức khỏe cộng đồng.