SAM Holdings: Quý III/2022, lợi nhuận giảm 76,4% về 11,32 tỷ đồng
Tiếp tục thoát lỗ nhờ doanh thu tài chính
Trong quý III/2022, SAM Holdings ghi nhận doanh thu đạt 545,87 tỷ đồng, tăng 43,1% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 11,32 tỷ đồng, giảm 76,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 1,9% lên 8,7%.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp tăng 558,5% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 40,38 tỷ đồng lên 47,61 tỷ đồng; doanh thu tài chính giảm 28,3%, tương ứng giảm 27,92 tỷ đồng về 70,72 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 400,4%, tương ứng tăng thêm 47,41 tỷ đồng lên 59,25 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 55,8%, tương ứng tăng thêm 15,52 tỷ đồng lên 43,34 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Xét về hoạt động kinh doanh cốt lõi (lợi nhuận gộp – chi phí tài chính – chi phí bán hàng & quản lý doanh nghiệp), trong quý III, Công ty ghi nhận lỗ 54,98 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 32,43 tỷ đồng.
Như vậy, Công ty chỉ thoát lỗ nhờ hoạt động tài chính khi ghi nhận doanh thu tài chính 70,61 tỷ đồng.
Trong đó, Công ty có thuyết minh chi phí tài chính tăng đột biến do ghi nhận lỗ do thanh lý các khoản đầu tư 47,6 tỷ đồng so với cùng kỳ không ghi nhận.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, Công ty ghi nhận doanh thu đạt 1.573,8 tỷ đồng, tăng 22,9% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 45,63 tỷ đồng, giảm 25,8% so với cùng kỳ năm trước.
Trong năm 2022, SAM đặt kế hoạch tổng doanh thu 2.855,8 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 210,7 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 9 tháng đầu năm 2022 với lợi nhuận trước thuế đạt 69,83 tỷ đồng, Công ty mới hoàn thành 33,1% kế hoạch lợi nhuận năm và cách rất xa kế hoạch năm.
Cổ phiếu HPG là khoản đầu tư tài chính lớn nhất của SAM Holdings
Tính tới 30/9/2022, tổng tài sản của SAM Holdings tăng 31,4% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 2.370,8 tỷ đồng lên 9.915,1 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu đầu tư tài chính dài hạn đạt 2.295,7 tỷ đồng, chiếm 23,2% tổng tài sản; các khoản phải thu dài hạn đạt 2.119,1 tỷ đồng, chiếm 21,4% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn đạt 2.062,7 tỷ đồng, chiếm 20,8% tổng tài sản; tài sản dở dang dài hạn đạt 1.447,3 tỷ đồng, chiếm 14,6% tổng tài sản và các khoản mục khác.
Trong kỳ, tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn giảm 55,4% so với đầu năm, tương ứng giảm 615,9 tỷ đồng về 495,2 tỷ đồng; các khoản phải thu dài hạn tăng 802,5%, tương ứng tăng thêm 1.884,3 tỷ đồng lên 2.119,1 tỷ đồng; đầu tư tài chính dài hạn tăng 44,8% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 710,8 tỷ đồng lên 2.295,7 tỷ đồng và các biến động khác.
Phải thu dài hạn tăng so với đầu năm chủ yếu do Công ty bắt đầu ghi nhận phải thu dài hạn của Công ty TNHH Dịch vụ Đầu tư Đông Dương 810 tỷ đồng; Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Đầu tư Sơn Thủy 670 tỷ đồng và Công ty TNHH Dịch vụ tư vấn và Đầu tư Hải Hà Land 570 tỷ đồng.
Xét về danh mục đầu tư chứng khoán, đầu năm ghi nhận 278,5 tỷ đồng và trích lập dự phòng 2,81 tỷ đồng. Tuy nhiên, thời điểm 30/9/2022, danh mục đầu tư chứng khoán là 311,2 tỷ đồng, trích lập dự phòng 55,54 tỷ đồng, tương ứng tạm lỗ 17,8% tổng danh mục.
Trong đó, danh mục đầu tư chủ yếu 91,12 tỷ đồng cổ phiếu HPG; 62,22 tỷ đồng cổ phiếu SJS; 56,42 tỷ đồng cổ phiếu DNP; 20,7 tỷ đồng cổ phiếu SSI; 20,5 tỷ đồng cổ phiếu TCB …
Đối với danh mục đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết, SAM Holdings bắt đầu ghi nhận khoản đầu tư 726,9 tỷ đồng vào CTCP Liên Doanh Cảng Quốc tế Mỹ Thủy so với đầu năm không ghi nhận.
Được biết, trong 9 tháng đầu năm, SAM Holdings đã nhận chuyển nhượng đầu tư và góp vốn vào Công ty liên kết là CTCP Liên Doanh Cảng Quốc tế Mỹ Thủy với tỷ lệ sở hữu 36% vốn điều lệ.
Theo tìm hiểu, CTCP Liên Doanh Cảng Quốc tế Mỹ Thủy là chủ đầu tư dự án Cảng Mỹ Thủy, đây là dự án động lực trong Khu kinh tế Đông Nam tỉnh Quảng Trị được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 1/2019. Dự án bao gồm 10 bến phát triển theo 03 giai đoạn trên diện tích 685 ha đất. Tổng vốn đầu tư của dự án là 14.234 tỷ đồng, trong đó vốn góp để thực hiện dự án là 2.143 tỷ đồng. Tuy nhiên, dự án có dấu hiệu chậm triển khai trong nhiều năm sau khi được phê duyệt chủ trương đầu tư.
Về phần nguồn vốn, biến động lớn nhất là khoản mục phải trả dài hạn khác tăng 20,19 lần so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 2.124,3 tỷ đồng lên 2.229,5 tỷ đồng, chiếm 22,5% tổng nguồn vốn. Trong đó, Công ty thuyết minh chủ yếu là 2.212,9 tỷ đồng phải trả hợp đồng ủy thác, hợp tác đầu tư.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 28/10, cổ phiếu SAM tăng 120 đồng lên 8.920 đồng/cổ phiếu.
Duy Bắc