Xuất thân từ nông dân, lớn lên từ đồng ruộng và sau nhiều năm bươn trải ngược xuôi khắp Bắc - Nam với nhiều nghề khác nhau, vợ chồng anh Trịnh Quang Ngọc, xã Yên Phú vẫn chưa tìm ra được hướng làm ăn phù hợp cho riêng mình nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn.
Khoảng chục năm trước, khi đang mưu sinh với nghề mộc, anh Trịnh Quang Ngọc cùng nhóm thợ tham gia xây dựng, trùng tu một ngôi chùa nên có thời gian dài ăn chay. Trong đó, nấm là một trong những thực phẩm được sử dụng thường xuyên. Trái với những suy nghĩ cá nhân ban đầu rằng ăn chay sẽ thiếu chất, cơ thể suy nhược thì nhóm anh Ngọc lại khỏe mạnh, làm việc bảo đảm. Anh Ngọc, cho biết: thời gian đó, mặc dù biết đến nấm là sản phẩm thực phẩm được bán phổ biến trên thị trường nhưng chưa có thời gian, điều kiện tìm hiểu nên chưa biết được hết những công dụng của nấm. Sau thời gian dài đi lao động, nhất là quãng thời gian ăn chay trường thì nhận thấy những hữu ích của cây nấm nên tôi càng quyết tâm tìm hiểu.
Sau thời gian tìm hiểu qua sách báo, phương tiện truyền thông, anh Trịnh Quang Ngọc đã biết đến nhiều sản phẩm nấm có giá trị kinh tế cao được thị trường ưa chuộng, như: nấm linh chi, nấm ngân nhĩ, nấm sò… nên đã quyết tâm đầu tư sản xuất nấm thương phẩm. Từ những kiến thức ban đầu học được, anh đã dồn toàn bộ vốn liếng mở xưởng sản xuất nấm rộng khoảng 100 m2 trong vườn để ấp ủ ước mơ làm giàu.
“Vạn sự khởi đầu nan", trong hành trình khởi nghiệp, anh Ngọc nhiều lần vấp váp, tổn thất do thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm, chưa làm chủ được khoa học-kỹ thuật và quy trình sản xuất. Nhưng bằng ý chí, quyết tâm của mình, sau mấy lần thất bại, anh lại đứng lên, mạnh dạn vay vốn, đầu tư công sức, tiếp tục học hỏi để phát triển sản xuất. Và đến nay, khu nhà xưởng sản xuất đã được mở rộng hơn 3.000 m2 tại vùng quy hoạch phát triển trang trại tập trung của xã Yên Phú.
Anh Trịnh Quang Ngọc, nhớ lại: “Nhận thấy những tín hiệu tốt từ thị trường nên năm 2012, tôi đã vay vốn ngân hàng mua máy móc, xây dựng nhà xưởng, sắm sửa đầy đủ máy móc, như: máy đóng bịch, hệ thống lò hấp tiệt trùng… để tự làm tất cả công đoạn. Cùng với tận dụng những phụ phẩm nông nghiệp có trên địa bàn, tôi còn tìm đến các địa phương khác để thu các loại nguyên liệu như cột mạt cưa, xơ dừa để phục vụ sản xuất”.
Qua nhiều năm tìm tòi, thử nghiệm, cơ sở sản xuất của vợ chồng anh Ngọc làm ăn ngày càng hiệu quả. Ngoài hai loại nấm ăn chủ đạo là nấm sò và mộc nhĩ, đến nay, anh Ngọc đã trồng được khoảng 10 loại nấm khác nhau. Trong đó, có nấm linh chi - một loại thảo dược quý, cho giá trị kinh tế cao. Được biết, cơ sở sản xuất nấm của gia đình anh Ngọc hiện có khoảng 400 m2 nhà xưởng sản xuất nấm ngân nhĩ và 600m2 nhà xưởng sản xuất nấm linh chi và hơn 2.000 m2 sản xuất các loại nấm sò, mộc nhĩ…
Ngoài sản xuất phôi nấm cho xưởng của mình, gia đình anh Ngọc còn cung ứng giống, phôi nấm cho người dân quanh vùng và một số cơ sở ở các tỉnh Nghệ An, Quảng Bình tạo việc làm cho 5 lao động thường xuyên và hàng chục lao động thời vụ khác, với mức thu nhập hơn 4 triệu đồng/người/ tháng.
Sản xuất phát triển nên sản lượng tăng dần và doanh thu, lợi nhuận cũng tốt hơn. Bình quân mỗi năm, cơ sở sản xuất của gia đình anh Trịnh Quang Ngọc cung cấp ra thị trường khoảng 800 kg nấm ngân nhĩ, doanh thu hơn 200 triệu đồng; 400 kg nấm linh chi khô, gần 10 tấn nấm mộc nhĩ khô và 20 - 30 tấn nấm sò tươi.
Ngoài thị trường là hệ thống thương lái tự do, các nhà hàng, khách sạn trong tỉnh thì sản phẩm nấm của gia đình anh Ngọc còn vươn tới thị trường Nghệ An, Hà Nội, Quảng Ninh, Ninh Bình… Để nâng cao giá trị kinh tế từ loại nấm linh chi, anh Ngọc đã tìm hiểu, đầu tư hơn 500 triệu đồng để chuyển giao công nghệ sấy, chế biến nấm linh chi dạng túi lọc, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Nhờ vậy, doanh thu và lợi nhuận tăng đều qua các năm. Theo dự tính, tổng doanh thu năm 2022 của gia đình anh Ngọc ước đạt gần 2,5 tỷ đồng, lợi nhuận hơn 500 triệu đồng.
Nói về dự định của mình trong thời gian tới, anh Trịnh Quang Ngọc, cho biết: “Để mở rộng sản xuất, khẳng định chỗ đứng trên thị trường, gia đình tôi đã thành lập Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Nấm Ngọc Việt. Đồng thời, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm tuyệt đối an toàn vệ sinh thực phẩm và sản xuất theo chu trình OCOP để tham gia chấm, đánh giá xếp hàng 2 sản phẩm là Trà linh chi túi lọc và nấm Ngân nhĩ vào cuối năm 2022. Cùng với đó, chúng tôi sẽ hoàn tất các thủ tục để mở rộng mặt bằng sản xuất, chuẩn hóa hệ thống nhà xưởng, đóng gói bao bì đối với tất cả các sản phẩm của đơn vị".
Ông Nguyễn Đăng Ngọc, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Định, cho biết: “Nhờ cần cù, chịu khó, ham học hỏi, dám nghĩ dám làm nên anh Trịnh Quang Ngọc đã xây dựng được cơ sở làm ăn hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập, thay đổi tư duy làm ăn cho người dân địa phương. Cùng với đó, với sự độc đáo, tiềm năng của các sản phẩm nấm Ngân nhĩ, Trà linh chi túi lọc, UBND huyện đã và đang hướng dẫn, hỗ trợ để anh Trịnh Quang Ngọc và Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Nấm Ngọc Việt phát triển thành sản phẩm OCOP cấp tỉnh trong năm 2022.
Ngọc Hòa
Tin khác