Nguồn cung, giá xăng dầu lại làm 'nóng' nghị trường Quốc hội
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, sáng nay (27/10), Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.
Thiếu hụt xăng dầu cũng cho thấy sự lúng túng trong điều hành
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Đoàn Kiên Giang) cho biết, vừa qua, tình hình thiếu hụt xăng dầu xảy ở nước ta, nhất là ở khu vực phía Nam đã cho thấy sự lúng túng trong điều hành, xử lý tình huống này của các Bộ, ngành liên quan trong trách nhiệm quản lý Nhà nước. Từ việc quy định tính đúng, tính đủ đối với giá xăng dầu, đến việc điều tiết nguồn cung của các doanh nghiệp đầu mối để xử lý kịp thời sự thiếu hụt như trong thời gian vừa qua…đã làm cho nhân dân, doanh nghiệp bức xúc.
Những vấn đề trên đã khiến người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn trong cuộc sống, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh. Hiện nay, hiện tượng này vẫn còn xảy ra cục bộ ở một số địa phương, chưa được giải quyết dứt điểm. Đại biểu đề nghị sớm khắc phục tình trạng này để ổn định tình hình.
Cùng quan tâm về vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) cho rằng, vấn đề thị trường xăng dầu bị đứt gãy chuỗi cung ứng một số nơi. Mặc dù, Bộ Công Thương đã tích cực vào cuộc nhưng chúng ta cần sớm khắc phục, rút ra bài học kinh nghiệm để không xảy ra tình trạng tương tự. Trong thời gian tới cần xem xét rút ngắn thời gian điều chỉnh giá xăng dầu.
Theo ông Ngân, giá xăng dầu trong thời gian tới có thể tiếp tục diễn biến phức tạp. Do đó, Quốc hội cần ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định cắt giảm các loại thuế, phí liên quan đến xăng dầu như thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt để kiểm soát lạm phát một cách nhanh nhạy nhất.
Giá xăng giảm nhưng hàng hóa tiêu dùng vẫn chưa giảm tương xứng
Đại biểu Phạm Hùng Thắng (Đoàn Hà Nam) cho rằng, bối cảnh năm 2022 khá đặc biệt khi có nhiều thuận lợi, thách thức đan xen; ảnh hưởng của dịch Covid-19 còn nặng nề, nhiều yếu tố tác động khó dự báo. Song, nhờ sự vào cuộc kịp thời của cả hệ thống và những quyết sách chưa có tiền lệ đã tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển mạnh mẽ.
Dù vậy, ông Thắng lo ngại khi giải ngân đầu tư công tiếp tục chậm với tỷ lệ thấp; giải ngân vốn chương trình phục hồi kinh tế cũng chậm.
“Quốc hội, Chính phủ đã nỗ lực điều chỉnh chính sách để giảm được giá xăng giúp doanh nghiệp, người dân giảm bớt khó khăn nhưng giá cả các mặt hàng tiêu dùng giảm không tương xứng”, theo ông Thắng.
Nhắc đến vấn đề vừa qua Ngân hàng Nhà nước nâng lãi suất điều hành tín dụng, điều chỉnh biên độ tỷ giá lên mức cao nhất trong lịch sử, đại biểu đánh giá điều này kéo theo chi phí vốn huy động lãi suất cho vay tăng cao, sức ép lạm phát và giá cả tăng cao, đã và đang trực tiếp ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống nhân dân. Dù khả quan, ông Thắng cho rằng phải nhìn nhận kinh tế chưa phát triển bền vững, sức chống chịu của nền kinh tế còn yếu.
Ông đề nghị Chính phủ chủ động kịch bản ứng phó lạm phát đang gia tăng trên toàn cầu, báo cáo Quốc hội để chủ động ứng phó chính phù hợp. Bên cạnh đó, cần linh hoạt, công khai các chính sách điều hành lãi suất, tỷ giá để doanh nghiệp không bị động trong chuẩn bị phương án sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện tiếp cận vốn thuận lợi hơn.
Đặc biệt, vị đại biểu đề nghị sớm tăng lương đi kèm với cải cách tiền lương để giúp cán bộ trong hệ thống có thêm động lực, giảm bớt hệ lụy nhân lực rời bỏ khu vực công như vừa qua.
Hà Lan