Nâng cao hiệu quả quản lý, ổn định niềm tin trên thị trường tài chính
Các chỉ số kinh tế vĩ mô trong 9 tháng của năm 2022 là khá tích cực, lạm phát được kiểm soát, GDP cả năm được dự báo đạt 8% và Việt Nam đang nằm trong nhóm các quốc gia tăng trưởng hàng đầu thế giới. Song, những phản ứng của nhà đầu tư trên thị trường vốn, tiền tệ đang khá tiêu cực.
Do đó, các đại biểu Quốc hội cho rằng cần phải có những giải pháp quyết liệt nhằm ổn định niềm tin cho nhà đầu tư trên thị trường vốn nói riêng và khơi thông thị trường tài chính nói chung.
Ổn định niềm tin trên thị trường
Trao đổi với báo chí bên lề quốc hội, đại biểu Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đoàn Đồng Tháp nhấn mạnh thời gian qua, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã có bước phát triển nhanh để từng bước trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế.
Thế nhưng, thị trường trái phiếu đã có sự tăng trưởng "nóng" và gây ra những rủi ro cho một bộ phận nhà đầu tư cá nhân (do chưa hiểu biết rõ pháp luật về đầu tư), điển hình như các vụ việc vi phạm nghiêm trọng của Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát...
Theo ông Hòa, các vụ việc vi phạm xuất phát từ một số doanh nghiệp phát hành không tuân thủ thực thi chính sách pháp luật, cố tình vi phạm và thông đồng với các công ty chứng khoán, tổ chức cung cấp dịch vụ để thực hiện các hành vi gian lận trên thị trường. Hệ lụy gây ra làm mất niềm tin cho nhà đầu tư đồng thời cũng khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả song không thể phát hành trái phiếu (do nhà đầu tư có tâm lý e ngại từ các vụ việc tiêu cực vừa qua).
Đối với những doanh nghiệp trên, đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh quan điểm xử lý là không có ngoại lệ, sai đến đâu xử lý đến đó. Mục tiêu là lành mạnh môi trường kinh doanh, lập lại trật tự thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, từ đó tạo niềm tin và sự an tâm cho nhà đầu tư khi tham gia vào thị trường này.
Đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị cơ quan quản lý Nhà nước cần có sự quản lý chặt chẽ hơn đối với thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Mặt khác, Bộ Tài chính cần có những thông tin rành mạch, rõ ràng đối với những doanh nghiệp phát hành trái phiếu (như đánh giá nhân lực, tài lực, chất lượng hoạt động sản xuất - kinh doanh… có đủ điều kiện để tiến hành phát hành trái phiếu).
Ông Hòa nhấn mạnh: “Từ nay đến cuối năm và trong năm 2023, Nhà nước cần có các chính sách quản lý chặt chẽ hơn để thị trường vốn phát triển bền vững đồng thời lấy lại niềm tin của người dân.”
Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Trần Anh Tuấn, đoàn Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị để ổn định niềm tin trên thị trường vốn (trái phiếu, cổ phiếu), Nhà nước phải có các giải pháp quản lý chặt chẽ hơn cũng như phân cấp, phân quyền cho các cơ quan quản lý cụ thể hơn. Trên cơ sở đó, cơ quan chức năng giám sát chặt chẽ những cam kết của doanh nghiệp đối với nhà đầu tư (như sử dụng đúng mục đích và hiệu quả nguồn vốn huy động, từ đó đáp ứng tính thanh khoản khi trái phiếu đáo hạn).
“Sân chơi” công bằng
Trên thị trường tiền tệ, vụ việc tại ngân hàng SCB đã ảnh hưởng đến cả hệ thống khiến hoạt động cho vay liên ngân hàng bị "đứt gãy", lãi suất liên ngân hàng có thời điểm lên đến 10%, kéo theo lãi suất huy động trên thị trường lên tới 9%-10%.
Về vấn đề này, đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh hiện tượng rút tiền tại Ngân hàng SCB đã không còn sau động thái của Ngân hàng Nhà nước lên tiếng đảm bảo về sự ổn định trong hoạt động của ngân hàng.
Theo đại biểu Võ Mạnh Sơn, đoàn Thanh Hóa, các cấp quản lý đang chấn chỉnh lại thị trường vốn và tiền tệ. Nỗ lực nhận diện những khó khăn trực tiếp trên thị trường, các bộ, ngành liên quan và Bộ Tài chính đã tham mưu cho Chính phủ tháo gỡ khó khăn, xử lý nghiêm để đảm bảo sự công bằng trên thị trường tài chính nói chung và thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp nói riêng.
“Chính phủ đã và đang xử lý các vấn đề phát sinh để thị trường trở thành ‘sân chơi’ công bằng, từ đó lấy lại niềm tin của nhà đầu tư và doanh nghiệp. Với chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, tôi hy vọng thời gian tới, thị trường tài chính sẽ phát triển lành mạnh, đáp ứng yêu cầu tăng trưởng,” ông Sơn nói.
Về các giải pháp điều hành chính sách, đại biểu Trần Anh Tuấn kiến nghị việc thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt cần bám sát nhu cầu tiền tệ, giao dịch hàng hóa trong lưu thông. Cụ thể, thực hiện các biện pháp kỹ thuật “bơm-hút” tiền đảm bảo sự cân bằng giao dịch trong nền kinh tế, đáp ứng được sự ổn định vĩ mô và tránh những “cú sốc” cho doanh nghiệp (khi họ sử dụng đòn bảy tài chính trong kinh doanh)./.
Quảng - Hạnh (Vietnam+)